Quảng Ngãi thiếu hụt bác sĩ ở bệnh viện công lập

Quảng Ngãi thiếu hàng trăm bác sĩ tuyến công lập, dù tỉnh có kế hoạch cử y sĩ đa khoa học liên thông lên bác sĩ, số lượng đăng ký vẫn rất thấp.

Quảng Ngãi đang cần thu hút nhân lực cho ngành y nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh. Ảnh: Viên Nguyễn

Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tuy nhiên, tỷ lệ bác sĩ trên số dân vẫn còn thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước. Tỉnh Quảng Ngãi hiện chỉ đạt khoảng 8,6 bác sĩ/10 nghìn dân; toàn tỉnh thiếu khoảng 300 bác sĩ. Việc tuyển dụng bác sĩ gặp nhiều khó khăn.

Trung tâm Y tế Quân – Dân y Lý Sơn dù được đầu tư xây dựng rất khang trang với tổng mức đầu tư 287 tỉ đồng nhưng vẫn thiếu bác sĩ có trình độ chuyên môn cao. Ảnh: Hữu Danh

Sở Y tế Quảng Ngãi cũng vừa thống kê số lượng bác sĩ làm việc tại các cơ sở y tế công lập trên toàn tỉnh và số lượng bác sĩ nghỉ hưu trong giai đoạn 2024 – 2030. Theo đó, toàn tỉnh hiện có 1.012 bác sĩ đang làm việc tại các cơ sở y tế công lập. Từ năm 2024 – 2030, có 139 bác sĩ đến độ tuổi nghỉ hưu; trong đó, có 53 bác sĩ ở tuyến tỉnh, còn lại 86 bác sĩ ở tuyến huyện và xã.

Theo kế hoạch, từ năm 2023-2025, mỗi năm, tỉnh sẽ cử từ 30 – 40 y sĩ đa khoa học liên thông bác sĩ tại Thừa Thiên Huế. Đây là nỗ lực của tỉnh trong việc chủ động nguồn nhân lực, khắc phục tình trạng thiếu bác sĩ tại tuyến cơ sở và góp phần thực hiện hiệu quả Đề án phát triển nguồn nhân lực y tế tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tuy nhiên, từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có 7 y sĩ đa khoa đăng ký học liên thông lên bác sĩ. Đây là con số quá thấp so với kỳ vọng ban đầu của tỉnh.

Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi, có nhiều nguyên nhân khiến y sĩ đa khoa ngại học liên thông lên bác sĩ, trong đó nguyên nhân chính là thời gian đào tạo khá dài. Trước đây, việc đào tạo nâng trình độ từ y sĩ đa khoa lên bác sĩ mất từ 3 – 4 năm. Còn hiện nay, thời gian đào tạo là 6 năm, như đào tạo bác sĩ hệ chính quy. Việc thi tuyển đầu vào cũng đòi hỏi rất cao. Trong khi đó, phần lớn các y sĩ đa khoa trên địa bàn đã lập gia đình, lớn tuổi nên họ không mặn mà với việc học lên bác sĩ.

Bên cạnh đó, có Trung tâm y tế được đầu tư cơ sở vật chất, máy móc rất hiện đại nhưng vẫn thiếu hụt bác sĩ. Đơn cử như Trung tâm Y tế Quân – Dân y Lý Sơn được đầu tư xây dựng mới với tổng mức đầu tư 287 tỉ đồng, được đưa vào hoạt động giữa năm 2024, nhưng hiện vẫn thiếu bác sĩ.

Cứ đến mùa mưa bão, Lý Sơn thường bị cô lập. Nhiều trường hợp bão lũ liên tục, tuyến vận tải hành khách Sa Kỳ – Lý Sơn và ngược lại bị cấm hoạt động, khiến huyện đảo Lý Sơn bị cô lập dài ngày, rất nhiều người dân bệnh nặng, phải “bấm bụng” thuê tàu cao tốc với giá 20 triệu đồng một chuyến vào đất liền chữa bệnh.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Minh Đức – Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết, cứ đến mùa mưa bão hàng năm, Sở Y tế đều chỉ đạo cho các bệnh viện tuyến tỉnh tăng cường y bác sĩ chuyên khoa và một số thiết bị chuyên dụng cho Lý Sơn. Năm nay, Sở Y tế đã có kế hoạch điều động tăng cường các bác sĩ chuyên khoa Sản, bác sĩ chuyên khoa Ngoại và bác sĩ chuyên khoa Gây mê, hồi sức cho Trung tâm Y tế Quân – Dân y Lý Sơn nhằm cứu chữa kịp thời những trường hợp bệnh nặng cho người dân ở huyện đảo, khi bị sóng to, gió lớn cô lập.

VIÊN NGUYỄN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/quang-ngai-thieu-hut-bac-si-o-benh-vien-cong-lap-1396121.ldo

XEM THÊM