Tin lầm con gái giả mạo, bị lừa 500 triệu đồng
Tin tưởng người nói chuyện với mình qua các cuộc gọi video call là con gái mình, bà K. ở Đà Nẵng chuyển cho đối tượng hơn 500 triệu đồng và bị chiếm đoạt.
Công an TP Đà Nẵng cho biết, với lý do cần vay mượn tiền giải quyết nợ, xoay xở các khoản chi tiêu cấp bách, nhiều đối tượng lừa đảo tận dụng triệt để công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Deepfake). Thủ đoạn của đối tượng là tạo ra các đoạn video với hình ảnh, khuôn mặt nhân vật giả để thực hiện cuộc gọi video nhằm chiếm đoạt tài sản.
Vừa qua, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (thuộc Công an thành phố Đà Nẵng) tiếp nhận tin báo tố giác của bà T.T.K (trú quận Sơn Trà), khi bị đối tượng sử dụng thủ đoạn này lừa đảo chiếm đoạn hơn 500 triệu đồng.
Cụ thể, đối tượng mạo danh tài khoản facebook của con gái bà K. (hiện sinh sống ở nước ngoài). Chúng thu thập hình ảnh, video khuôn mặt của con gái bà K. và sử dụng công nghệ Deepfake để làm giả cuộc gọi video call với bà K.
Sau đó, đối tượng nhờ bà K. chuyển tiền. Khi bà K. thắc mắc về số tài khoản lạ thì đối tượng lấy lý do là chuyển tiền qua nước ngoài phải mất phí nên chuyển tiền qua số tài khoản trung gian nhằm tránh phí. Tin tưởng đây là con gái, bà K. chuyển cho đối tượng hơn 500 triệu đồng và bị chiếm đoạt.
Bên cạnh thủ đoạn này, phía công an cho biết các đối tượng còn sử dụng chiêu trò bán hàng qua mạng để lừa đảo người dân trong thời gian gần đây. Thủ đoạn của các đối tượng là lập tài khoản ảo đăng tải, rao bán các mặt hàng Tết “giá rẻ”. Khi có khách hàng bình luận và liên hệ hỏi mua, đối tượng gửi hình ảnh, video và gọi điện tư vấn, báo giá thấp hơn giá thị trường. Để tăng độ uy tín, đối tượng còn đóng hàng, chụp ảnh gửi hàng cho nhà xe hoặc đơn vị chuyển phát để nạn nhân chốt đơn và chuyển tiền đặt cọc…
Theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, dịp cận Tết là thời điểm các đối tượng lừa đảo liên tục “giăng bẫy” trên không gian mạng với đa dạng thủ đoạn, người dân phải hết sức cảnh giác.
Đáng chú ý, các chiêu trò phổ biến như đối tượng rao thông báo tuyển người bình luận sản phẩm; đánh máy đề cương với mức thu nhập 100.000 – 300.000 đồng/ngày; cộng tác viên bán vé máy bay chiết khấu hóa đơn lên đến 20%; cắt mác quần áo nhận tiền công liền tay; cộng tác viên vận đơn, bán hàng Tết (quần áo, bánh kẹo). Đối tượng mà bọn tội phạm nhắm tới là người có thu nhập trung bình – thấp, đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm thêm…
Vì vậy, người dân tuyệt đối không làm theo yêu cầu tạm ứng trước tiền; không nên tin tưởng vào những đề nghị quá hấp dẫn và những công việc dễ dàng. Đồng thời cần đặc biệt lưu ý không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng hay mã OTP.
Theo Nhật Minh (Nguoiduatin.vn)
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tin-lam-con-gai-gia-mao-bi-lua-500-trieu-ong-a399923.html