Lý do Ngân hàng Nhà nước hủy phiên đấu thầu vàng miếng

Phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC hôm nay (25/4) đã bị hủy do chỉ có một đơn vị nộp phiếu dự thầu. Lần thứ hai cơ quan điều hành hủy đấu thầu vàng miếng.

Trưa 25/4, Ngân hàng Nhà nước thông báo hủy phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, phiên đấu thầu vàng diễn ra 9h sáng, khối lượng tham gia tối thiểu và tối đa mỗi thành viên là 1.400-2.000 lượng, tỷ lệ đặt cọc 10%, tương tự phiên đấu thầu ngày 23/4. Nhà điều hành không thông báo mức giá tham chiếu.

Phiên đấu thầu đầu tiên lẽ ra diễn ra sáng 22/4 cũng đã bị hủy do “không có đủ số thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền cọc”.

Đến sáng 23/4, Ngân hàng Nhà nước tổ chức phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC, sau 11 năm dừng hoạt động này. Song chỉ có hai đơn vị là SJC và ACB quyết định bỏ phiếu trả giá và trúng thầu 3.400 lượng, tương đương 20% quy mô chào thầu. Phiên thầu đầu tiên bị “ế” 13.400 lượng vàng.

Phiên đấu thầu lần 2 bị hủy vì chỉ có 1 đơn vị bỏ thầu.

Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia Ngô Trí Long cho biết việc đấu thầu vàng ngay từ điều kiện ban đầu không hợp lý. Khối lượng đặt thầu cho một đơn vị lên tới 1.400 lượng. Với giá cọc ban đầu, một đơn vị phải bỏ ra tầm 100 tỷ đồng.

“Điều này chỉ phù hợp với doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn. Trong khi đó, doanh nghiệp kinh doanh vàng chủ yếu vừa và nhỏ. Việc này dẫn đến cạnh tranh không công bằng. Thậm chí ta có quyền đặt câu hỏi có lợi ích nhóm nào ở đây không khi đưa ra những điều kiện cao như vậy”, ông Long nói.

Ông Long đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên cân nhắc các quy định khi tổ chức đấu thầu vàng miếng gồm quy định khối lượng tối thiểu đặt thầu, mức giá đặt cọc cũng như mức giá sàn đấu thầu. Phiên đấu giá thứ 2 không thu hút được doanh nghiệp tham gia cũng vì những điều kiện nói trên.

“80% lượng vàng đấu thầu phiên đầu tiên bị ế là vấn đề đáng suy nghĩ. Doanh nghiệp đã kinh doanh phải tính đến lợi nhuận. Nếu trúng thầu, doanh nghiệp phải bán cao hơn mức giá trúng thầu. Như vậy, với mức giá khởi điểm đưa ra, đấu thầu không những không hạ nhiệt được giá vàng trong nước mà giá lại còn bị đẩy lên”, ông Long nói.

Theo ông Long, theo chỉ đạo của Chính phủ, mục tiêu là nhằm ổn định thị trường vàng trong nước, kéo chênh lệch giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới, nhưng qua phiên đấu thầu vàng đầu tiên, mục tiêu này chưa đạt được.

“Cách đây hơn 10 năm, việc đấu thầu vàng miếng kéo giá vàng trong nước và thế giới chỉ còn chênh nhau hơn 4 triệu đồng/lượng. Hiện giá vàng miếng cao hơn thế giới hơn 10 triệu đồng/lượng và có thời điểm gần 20 triệu đồng/lượng, Ngân hàng Nhà nước phải tìm giải pháp”, ông Long cho hay.

Ông Long nhấn mạnh, giải pháp duy nhất là tăng nguồn cung. Hiện, giá vàng thế giới tính cả thuế phí chỉ khoảng hơn 74 triệu đồng/lượng. Việc đấu thầu vàng bằng cách Ngân hàng Nhà nước nhập vàng vào thời điểm này phải tính bằng giá trên mới hấp dẫn các đơn vị tham gia đấu thầu. Còn nếu tính giá cọc như hiện nay, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục không bỏ thầu.

Chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho rằng, việc đấu thầu vàng như thông báo của Ngân hàng Nhà nước không hấp dẫn các doanh nghiệp kinh doanh vàng vào thời điểm này. Nếu muốn thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới, giá vàng đấu thầu phải thấp hơn nữa thì khi đó doanh nghiệp mới có dư địa để điều chỉnh giá.

Theo ông Phương, số lượng 3.400 lượng vàng phiên đấu thầu vàng lần đầu chỉ đủ để bù trạng thái đã bán ra chứ chưa được cung nhiều ra thị trường. Theo đó, giá vàng miếng SJC chưa thể hạ nhiệt.

Giá vàng miếng SJC có xu hướng biến động mạnh gần đây trước diễn biến đấu thầu vàng. Trưa nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 81,7 – 84 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra. Giá vàng SJC đang cao hơn thế giới hơn 12,5 triệu đồng/lượng.

Ngọc Mai

&Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ly-do-ngan-hang-nha-nuoc-huy-phien-dau-thau-vang-mieng-post1631981.tponbsp;

XEM THÊM