Cục Hàng hải yêu cầu tiếp tục tìm kiếm nạn nhân vụ sà lan chìm ở Quảng Ngãi

Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu công tác tổ chức tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong vụ chìm sà lan ở Quảng Ngãi vẫn tiếp tục triển khai và mở rộng phạm vi tìm kiếm với tinh thần ‘còn nước còn tát’.

Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Lê Đỗ Mười vừa có văn bản gửi Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác ìm kiếm cứu nạn người bị nạn trong vụ phương tiện LA-06695 (tàu kéo) kéo Sà lan LA-06883 bị tai nạn trên vùng biển Quảng Ngãi.

Cục Hàng hải yêu cầu tiếp tục tìm kiếm nạn nhân vụ sà lan chìm ở Quảng Ngãi

Theo Cục trưởng cục Hàng hải Việt Nam Lê Đỗ Mười, sau 6 ngày xảy ra sự cố chìm sà lan, công tác tổ chức tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển vẫn đang triển khai, song biện pháp và phương pháp trong giai đoạn đầu không còn phù hợp nên phải thay đổi giải pháp tìm kiếm để hi vọng tìm thấy được 5 nạn nhân gặp nạn được cho là mất tích.

Ông Mười cho biết, tinh thần chỉ đạo của Bộ GTVT là Cục Hàng Hải Việt Nam, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam cùng Cảng vụ hàng hải các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và TP Đà Nẵng vẫn phối hợp cùng địa phương nỗ lực tìm kiếm 5 nạn nhân mất tích. Tuy vậy, phương án tìm kiếm sẽ thay đổi so với trước đây.

Cụ thể, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam chủ trì phối hợp với Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam (VISHIPEL) tiếp tục phát đi thông báo hàng hải bằng cả hai ngôn ngữ là tiếng Anh và tiếng Việt với tần suất thích hợp để yêu cầu các phương tiện hoạt động trong khu vực vùng nước nghi ngờ có nạn nhân trôi dạt đến tăng cường cảnh giới, quan sát, kịp thời cứu nạn nhân và nhanh chóng có thông báo cho Trung tâm tìm kiếm cứu nạn điều tàu đến vị trí phát hiện để cứu hoặc vớt thi thể thuyền viên mất tích.

Chỉ đạo đội tàu tìm kiếm cứu nạn SAR tiếp tục tiến hành tổ chức tìm kiếm các nạn nhân trong các vùng nghi vấn mà có thể nạn nhân có thể trôi dạt đến. Mở rộng phạm vi tìm kiếm, vì qua thời gian dài và hướng gió liên tục thay đổi nên có thể nạn nhân bị sóng biển cuốn trôi dạt đi xa vị trí tàu gặp nạn.

Ngư dân cùng hỗ trợ tìm kiếm thuyền viên mất tích sau vụ tai nạn chìm tàu kéo sà lan.

Có biện pháp gửi thông báo đến các tàu cá trong vùng nước có nghi ngờ các nạn nhân trôi dạt nâng cao cảnh giới và phối hợp tìm kiếm các nạn nhân. Khi phát hiện thì kịp thời cứu vớt hoặc thông báo đến cơ quan chức năng điều người và phương tiện đến tiếp cận trục vớt.

“Tinh thần là tiếp tục tổ chức tìm kiếm với phương châm còn nước còn tát. Ít nhất cũng tìm thấy thi thể các nạn nhân đưa về gia đình lo hậu sự để vơi bớt đau thương cho gia đình các nạn nhân”, ông Mười nói.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng quyết định rút trung tâm chỉ huy phía trước về tại Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi về Trung tâm vùng 2 tại TP Đà Nẵng để thuận tiện công tác chỉ huy và tìm kiếm cho cơ động.

Các đơn vị báo cáo, đề xuất bổ sung kế hoạch triển khai hoạt động phối hợp TKCN các nạn nhân còn đang mất tích khi có tình huống mới phát sinh. Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện.

Trong những ngày qua, công tác tổ chức tìm kiếm, cứu vớt nạn nhân trong vụ chìm sà lan trên vùng biển Lý Sơn vẫn được các cơ quan liên quan triển khai trên biển.

Được biết, danh sách 5 thuyền viên được cho là mất tích mà phía chủ tàu đăng ký với cơ quan chức năng để điều hành tàu và sà lan gồm: Phạm Văn Hiệp, thuyền trưởng; Đặng Minh Phương, thủy thủ (Long An); Võ Tấn Khương, máy trưởng; Võ Văn Nhiều, thợ máy; Bùi Minh Trí, thủy thủ (Quảng Ngãi).

Phi Long/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/cuc-hang-hai-yeu-cau-tiep-tuc-tim-kiem-nan-nhan-vu-sa-lan-chim-o-quang-ngai-post1092166.vov

 

XEM THÊM