Xe tải đang chạy bị rơi bánh gây tai nạn hai người tử vong: Ai phải bồi thường?
Nhiều người thắc mắc vụ việc xe tải đang chạy bị rơi bánh xe khiến hai cháu nhỏ tử vong, ai sẽ phải bồi thường?
Vừa qua trên Quốc lộ 1 theo hướng Nam – Bắc, một chiếc xe tải đang di chuyển thì bất ngờ một bánh của xe tải rơi ra khỏi trục xe. Sau đó, bánh xe lăn ra bên đường va vào hai cháu N. (11 tuổi) và S. (7 tuổi) đang chơi bên đường. Hậu quả, cháu S. tử vong, cháu N. được người thân đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng cũng tử vong ngay sau đó.
Vụ việc đang được nhiều người quan tâm, một số ý kiến thắc mắc trong trường hợp này gia đình hai cháu bé có được bồi thường và ai là người phải chịu bồi thường?
Ai chịu trách nhiệm bồi thường?
Trao đổi với PLO, Luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết trong vụ việc này, trước hết, cơ quan chức năng sẽ tiến hành xác minh, làm rõ một số vấn đề như: Chiếc xe trong vụ việc có đủ điều kiện tham gia giao thông đường bộ, có đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật hay không? Việc bánh xe tải bị rơi ra khỏi trục xe là do không đáp ứng về mặt kỹ thuật trong quá trình sản xuất, lắp ráp, sửa chữa xe, hay là do sự kiện bất khả kháng? Hoàn cảnh xảy ra vụ việc có lỗi của chủ thể nào khác hay không? Kết luận của cơ quan chức năng sẽ là cơ sở để xác định về căn cứ bồi thường thiệt hại trong trường hợp này.
“Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”- luật sư Mạch cho hay.
Xe tải đang chạy bị rơi bánh gây tai nạn tử vong: Ai phải bồi thường? Ảnh: MXH
Cũng theo luật sư, quy định tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015, một sự kiện được xem là sự kiện bất khả kháng nếu thỏa mãn đủ các điều kiện sau đây:
Thứ nhất, đó là sự kiện xảy ra một cách khách quan, hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát của các bên.
Thứ hai, sự kiện đó không thể nào lường trước được.
Thứ ba, không thể khắc phục được hậu quả do sự kiện đó gây ra, dù cho bên có nghĩa vụ đã cố gắng áp dụng hết tất cả mọi biện pháp cần thiết và cho phép trong khả năng của mình.
“Như vậy, nếu việc bánh xe tải bị rơi ra khỏi trục xe là do sự kiện bất khả kháng thì người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường. Ngược lại, nếu không thuộc các trường hợp nêu trên thì sẽ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân”- luật sư nói.
Về chủ thể có nghĩa vụ bồi thường
Theo luật sư Võ Đan Mạch, Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015, phương tiện giao thông vận tải cơ giới được xem là nguồn nguy hiểm cao độ. Trong đó, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây: Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại. Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
“Như vậy, tùy từng trường hợp mà chủ phương tiện hoặc tài xế lái xe tại thời điểm đó phải chịu trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, xe ô tô chở hàng (xe tải) thường có tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Khi mua bảo hiểm này, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ thực hiện bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe, tính mạng và tài sản đối với bên thứ ba và bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của hành khách nếu nguyên nhân dẫn đến thiệt hại là do ô tô gây ra”- luật sư cho biết thêm.
Về các khoản tiền phải bồi thường, luật sư phân tích: Chủ thể có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm (theo Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015), bao gồm:
– Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm (theo Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015).
– Chi phí hợp lý cho việc mai táng.
– Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.
– Thiệt hại khác do luật quy định.
Ngoài ra còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại (nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này).
THY NHUNG
Nguồn PLO: https://plo.vn/xe-tai-dang-chay-bi-roi-banh-gay-tai-nan-hai-nguoi-tu-vong-ai-phai-boi-thuong-post769866.html