Vụ bé trai lọt xuống trụ bê tông: Những ai phải chịu trách nhiệm?
Theo luật sư, cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm chính ở công trình này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp.
Vụ việc cháu bé Hạo Nam (10 tuổi) bị lọt xuống hố bê tông ở Đồng Tháp vừa xảy ra mới đây, cùng nhiều vụ việc tương tự trước đó như đang “báo động” công tác quản lý, giám sát khu vực thi công, công trường đang thi công còn lỏng lẻo, còn tồn tại nhiều rủi ro, bất cập và có dấu hiệu vi phạm các quy định về an toàn lao động.
Chủ đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm cao nhất?
Trong vụ việc bé Hạo Nam, nhiều người đặt dấu hỏi về trách nhiệm của các đơn vị có liên quan. Gửi ý kiến bình luận về Báo Dân trí, bên cạnh lời động viên chia sẻ gửi gắm tới gia đình cháu bé, nhiều độc giả cho rằng cần phải điều tra, truy tố những người tắc trách trong vấn đề an toàn lao động của công trình này. “Miệng hố hình phễu khác nào một cái bẫy người, con trẻ nó đâu biết được hiểm nguy. Cháu bé hay những người bạn cháu là những mảnh đời nghèo khó kiếm từng mẩu sắt vụn để mưu sinh, sự việc quá đau lòng. Tại sao không che bịt đầu cọc khi thi công xong? Tại sao không có biển cảnh báo?”, một độc giả ý kiến.
Trao đổi với Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội về vấn đề này, ông cho biết, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định 06/2021/NĐ – CP, các chủ thể có liên quan trực tiếp đến hoạt động xây dựng công trình bao gồm: Chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư (nếu có); Nhà thầu thi công xây dựng; Nhà thầu cung ứng sản phẩm xây dựng, vật liệu xây dựng, cấu kiện, thiết bị lắp đặt vào công trình; Các nhà thầu tư vấn gồm: khảo sát, thiết kế, quản lý dự án, giám sát, thí nghiệm, kiểm định và các nhà thầu tư vấn khác.
Hiện trường cứu hộ cháu bé rơi xuống trụ bê tông sâu 35m (Ảnh: Nguyễn Hành – Hải Long).
Khi tham gia hoạt động xây dựng các chủ thể này có đủ điều kiện năng lực theo quy định, chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về chất lượng và an toàn đối với các công việc do mình thực hiện trước pháp luật. Do đó, khi có vi phạm ở giai đoạn nào mà một trong các chủ thể trên phụ trách thì những chủ thể này sẽ bị quy trách nhiệm ở giai đoạn đó. Còn các đơn vị khác sẽ chịu trách nhiệm liên đới.
Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 10 Nghị định 06/2021/NĐ – CP, nội dung quản lý thi công xây dựng công trình bao gồm: “….. d. Quản lý an toàn lao động, môi trường xây dựng trong thi công xây dựng công trình;….” và tại khoản 2, khoản 5 Điều 13 Nghị định 06/2021/NĐ – CP quy định về trách nhiệm của nhà thầu thi công xây dựng.
Theo quy định trên thì nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm tổ chức thực hiện kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động đối với phần việc do mình thực hiện. Người thực hiện công tác quản lý an toàn lao động của nhà thầu thi công xây dựng phải được đào tạo về chuyên ngành an toàn lao động hoặc chuyên ngành kỹ thuật xây dựng và đáp ứng quy định khác của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Có thể xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự
Luật sư Tiền chia sẻ, khu vực bé trai xảy ra tai nạn nằm trong công trình thi công cầu Rọc Sen. Vài ngày trước tai nạn, đội thi công chuyển máy móc sang mố cầu bên kia nhưng chưa lấp đất những trụ đã cắm xuống. Xung quanh mố cầu được rào tạm bằng dây, chưa đảm bảo được an toàn theo quy định trên.
Do đó, song song với công tác giải cứu cháu bé, cơ quan chức năng cũng cần phải làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm chính trong quá trình thi công xây dựng để kịp thời xử lý. Và tùy tính chất, mức độ và hậu quả xảy ra, phạm vi trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức mà hành vi đó có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trụ bê tông em Nam lọt vào có đường kính 25cm, dài 35m.
Nếu có kỳ tích xảy ra, cháu bé cứu lên vẫn còn sống và tỷ lệ tổn thương cơ thể trên 61% thì những người có chức vụ quyền hạn đã không thực hiện hoặc không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, những người này có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
Những cá nhân, tổ chức có liên quan khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính quy định tại Điều 139 Bộ luật này nếu cháu bé bị thương tích từ 31% trở lên.
Theo đó, căn cứ vào tỷ lệ tổn thương cơ thể, cá nhân, tổ chức vi phạm có thể đối diện với mức phạt thấp nhất là bị phạt tiền từ 20 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm; mức phạt cao nhất là phạt tù đến 3 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Trong trường hợp xấu nhất, cháu bé trong vụ việc tử vong, thì cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm chính vụ này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp theo quy định tại Điều 129 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Ngoài ra, người này còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Ngoài ra, tùy vào thiệt hại xảy ra đối với nạn nhân là cháu bé mà cá nhân, tổ chức liên quan sẽ phải liên đới trách nhiệm bồi thường theo quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự 2015 về bồi thường do sức khỏe bị xâm phạm, Điều 591 Bộ luật dân sự 2015 về bồi thường do tính mạng bị xâm phạm.
Qua vụ việc này, Luật sư khuyến cáo, chủ đầu tư, chỉ huy công trình, người lao động phải tuân thủ nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn; quán triệt, phổ biến kỹ các quy định từ đội ngũ cán bộ quản lý đến từng người lao động; triển khai lắp đặt đầy đủ các biển báo về an toàn, cảnh báo nguy hiểm và hướng dẫn, bảo vệ nghiêm ngặt khu vực công trường khi thi công; nhanh chóng phục hồi hiện trạng mặt bằng các khu vực liên quan khi hoàn thành các hạng mục.
Đối với người lao động, phải nắm chắc, tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, kịp thời báo cáo và có các giải pháp ngăn chặn nguy cơ gây mất an toàn.
Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với chủ công trình cố tình vi phạm; nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời khi phát hiện những nguy cơ gây mất an toàn để đơn vị thi công khắc phục; tích cực tuyên truyền cho người dân địa phương các nguy cơ tai nạn để mọi người chủ động phòng tránh.
Bên cạnh đó, trường hợp có công trường sửa chữa, xây dựng gần nhà, các bậc phụ huynh lại càng phải lưu tâm, để trẻ nhỏ trong tầm mắt. Với các em nhỏ, biển cảnh báo đôi khi không có tác dụng. Sự hiếu động, thiếu kỹ năng nhận biết nguy hiểm ở các em lại càng khiến nguy cơ gặp tai nạn tăng cao.
Và ngay cả những người lớn, nếu có công việc cần vào khu vực thi công, thì phải được trang bị đồ bảo hộ, có người chịu trách nhiệm dẫn đường và đảm bảo an toàn. Nếu đi bộ, cần phải quan sát dưới chân và khoảng không gian xung quanh. Cần chắc chắn rằng bề mặt khu vực đặt chân không bị lung lay, sụt lún, phía trước và phía trên không có vật cản, vật treo khối lượng lớn…
(Theo Dân Trí)