Vụ án Vạn Thịnh Phát: Mật hiệu ‘HSTT’
Dựa trên mô hình kim tự tháp, mỗi cá nhân thể hiện sự chủ động làm việc theo những “mật hiệu” do bị cáo Trương Mỹ Lan quy ước.
Ngày 5-3, TAND TP HCM xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị, tổ chức liên quan (gọi tắt là vụ án Vạn Thịnh Phát).
79/86 bị cáo có mặt
Bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cùng 85 bị cáo khác bị đưa ra xét xử về các tội “Tham ô tài sản”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng”, “Đưa hối lộ”.
Từ sáng sớm, an ninh được thắt chặt, đến khoảng 7 giờ, xe chở các bị cáo tiến vào sân tòa án, cảnh sát áp giải họ vào phòng xét xử. Thư ký phiên tòa cho biết 79/86 bị cáo có mặt tại tòa. Có 5 bị cáo là các cựu cán bộ SCB đang bị truy nã bị xét xử vắng mặt, 2 bị cáo được tại ngoại không đến.
An ninh được siết chặt tại phiên tòa
Chủ tọa phiên tòa cho biết HĐXX căn cứ vào diễn biến phiên tòa sẽ thông báo kế hoạch xét xử từng ngày. Đối với các luật sư, họ phải bảo đảm sự có mặt trong thời gian xét xử vụ án, trường hợp vì lý do khách quan mà vắng thì phải có thông báo cho HĐXX và được sự đồng ý.
Các bị cáo được quyền tiếp xúc với luật sư trong thời gian giải lao 15 phút. Chủ tọa lưu ý trong tiếp xúc phải ngắn gọn để bảo đảm sức khỏe cho bị cáo.
Chủ tọa phiên tòa khẳng định HĐXX luôn tạo điều kiện cao nhất để gia đình bị cáo khắc phục hậu quả. Đây cũng là căn cứ để xem xét là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi quyết định hình phạt đối với các bị cáo.
“Hệ sinh thái” đồng phạm
Theo hồ sơ, tính từ tháng 1-2012 đến tháng 10-2022, bị cáo Trương Mỹ Lan lập khống trên 2.500 khoản vay để rút hơn 1 triệu tỉ đồng của SCB (chiếm 93% dư nợ gốc của ngân hàng này).
Đến nay, các khoản vay đều không có khả năng thu hồi. Trong khi đó, kết quả định giá tài sản bảo đảm cho thấy chỉ 96/203 tài sản bảo đảm cho các khoản vay có đủ giá trị pháp lý.
Một trong những nguyên nhân sai phạm hơn 10 năm tại SCB không bị phát hiện đã được cơ quan chức năng làm sáng tỏ. Theo đó, bị cáo Trương Mỹ Lan xây dựng nên “hệ sinh thái đồng phạm” hết sức bài bản, quy mô với hàng ngàn cá nhân câu kết chặt chẽ.
Bị cáo Trương Mỹ Lan
“Hệ sinh thái” này được ví như mô hình kim tự tháp, trong đó những cấp dưới của bị cáo Trương Mỹ Lan lần lượt là người thân (chồng, cháu gái…), sự thân tín giảm dần theo mức độ đến đáy của mô hình. Khi tham gia vào mô hình kim tự tháp, các cá nhân được bị cáo Trương Mỹ Lan trả lương, tặng, thưởng tiền, cổ phần SCB tùy theo cấp bậc.
Quan trọng nhất và được hưởng lợi nhiều nhất phải kể đến “bộ sậu” bị cáo Lan tuyển chọn và đưa vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại SCB (hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc, giám đốc các chi nhánh lớn, trưởng ban kiểm soát). Tương ứng với mỗi vị trí là mức lương từ 200 – 500 triệu đồng/tháng chưa bao gồm các phúc lợi khác.
Dựa trên mô hình kim tự tháp, mỗi cá nhân thể hiện sự chủ động làm việc theo những “mật hiệu” do nữ tỉ phú quy ước. Điển hình, dù không nhận chỉ đạo trực tiếp từ bị cáo Trương Mỹ Lan nhưng khi tiếp nhận hồ sơ vay vốn ngân hàng, bị cáo Bùi Anh Dũng (làm Chủ tịch HĐQT của SCB từ tháng 12-2020) biết rất rõ khoản vay nào là của bị cáo Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Đối với những hồ sơ này, Bùi Anh Dũng chỉ ký hợp thức mà không cần thẩm định khách hàng, thẩm định tài sản bảo đảm, không quan tâm phương án vay vốn và được theo dõi riêng trên hệ thống dữ liệu “core banking” của SCB bằng trường dữ liệu được ký hiệu “HSTT”.
Như vậy, đối với hồ sơ “HSTT”, SCB sẽ bỏ qua quy trình vay thông thường theo quy định. Quá trình làm việc tại ngân hàng, ngoài lương thưởng, Bùi Anh Dũng còn được bị cáo Lan cho 500.000 cổ phiếu SCB (tương đương 5 tỉ đồng).
Ngoài ra, để tránh sự kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, năm 2020, Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng Giám đốc SCB, ký quyết định thành lập 3 đơn vị cho vay chỉ để phục vụ các khoản vay của bị cáo Lan. Cựu tổng giám đốc SCB biết rõ điểm chung hồ sơ vay của bị cáo Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nên chỉ ký khống thủ tục.
“HSTT” cũng là 4 ký tự mà bị cáo Tạ Chiêu Trung, Phó Chủ tịch HĐQT SCB, nắm chắc. Dù không nhận chỉ đạo trực tiếp nhưng Tạ Chiêu Trung biết rõ bị cáo Lan là “chủ nhân thực sự” của SCB, biết rõ SCB có nhóm khách hàng vay vốn được ký hiệu “HSTT”.
Nhiều kỷ lục xấu
Từ những “ngầm hiểu” hoặc được chỉ đạo trực tiếp, 45 cựu lãnh đạo các cấp của SCB đã giúp sức tích cực cho hành vi phạm tội của bị cáo Lan.
Những con số mà cơ quan chức năng nêu trong hồ sơ vụ án còn thể hiện đây là vụ án có số bị hại (42.000 người), số tiền tham ô (304.000 tỉ đồng), số tiền một người nhận hối lộ (5,2 triệu USD) lớn nhất từ trước đến nay.
79 bị cáo có mặt tại phiên xét xử Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Trong đó, để SCB không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt (vì thực trạng tài chính đặc biệt yếu kém và các sai phạm khác), bị cáo Trương Mỹ Lan đã dùng tiền để mua chuộc nhiều người của cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước).
Cụ thể, giai đoạn 2017 – 2018, cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đã lập đoàn thanh tra tại SCB. Quá trình thanh tra cho thấy nhiều sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại SCB liên quan các dự án, phương án tái cơ cấu; sai phạm tại khoản vay của một nhóm khách hàng; tình trạng tài chính rất xấu của ngân hàng…
Tuy nhiên, từ người ra quyết định thanh tra (bị cáo Nguyễn Văn Hưng – nhận số tiền 390.000 USD), trưởng đoàn thanh tra (bị cáo Đỗ Thị Nhàn – nhận số tiền 5,2 triệu USD), phó trưởng đoàn đến các thành viên tổ tổng hợp, thành viên tại các tổ thanh tra (người nhận ít nhất là hơn 100 triệu đồng) đều bị bị cáo Trương Mỹ Lan mua chuộc để từ đó, họ không chuyển các sai phạm tới cơ quan chức năng xử lý…
8 giờ hôm nay, 6-3, phần công bố cáo trạng tiếp tục sau khi chiều 5-3, đại diện VKSND TP HCM công bố một phần cáo trạng dài 158 trang.
Lee George, nguyên thành viên HĐQT SCB và Henry Sun Ka Ziang, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT SCB, được xác định gây thiệt hại cho SCB số tiền rất lớn. Tuy nhiên, cả hai hiện không rõ ở đâu nên Cơ quan CSĐT Bộ Công an tách vụ án này ra và tạm đình chỉ điều tra đối với 2 cá nhân trên.
Được xem xét về sức khỏe
Bị cáo Nguyễn Cao Trí – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Capella, Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang – là người được thẩm vấn nhân thân cuối cùng. Bị cáo trình bày đã khắc phục thiệt hại trong vụ án và xin được xét xử vắng mặt do đang bị bệnh về cột sống.
Vụ án Vạn Thịnh Phát: Mật hiệu ‘HSTT’ – 3
Bị cáo Nguyễn Cao Trí (đeo kính) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Luật sư của bị cáo Trí đề nghị cho thân chủ được vắng mặt những phần không liên quan. Nếu vấn đề liên quan, luật sư mong muốn tòa cho bị cáo được ngồi để trả lời. HĐXX cho hay nếu bị cáo có vấn đề sức khỏe thì luật sư có đơn gửi HĐXX xem xét.
Theo Nld.com.vn
https://nld.com.vn/vu-an-van-thinh-phat-mat-hieu-hstt-196240305214433481.htm