Việt Nam thừa tiềm năng, EVN vẫn muốn mua điện gió từ Lào: Chuyên gia nói thẳng sự thật
Theo một số chuyên gia EVN, phương án nhập khẩu điện gió từ Lào có thể tốt về phương án kinh doanh song không có lợi về chiến lược, đặc biệt khi nhiều dự án điện gió, điện mặt trời đang có nhiều vướng mắc…
EVN “thúc” mua điện gió từ Lào vì giá rẻ
Thông tin mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương thẩm định và trình Thủ tướng chủ trương nhập khẩu điện gió từ Lào, với giá mua là 6,95 US cent/kWh, tương đương khoảng 1.700 đồng/kWh.
Chủ đầu tư dự án – Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển năng lượng Việt Lào – đề xuất thực hiện đầu tư toàn bộ công trình đấu nối lưới điện phục vụ đấu nối nhà máy điện gió Trường Sơn vào hệ thống điện Việt Nam bằng nguồn vốn của dự án.
EVN đang trình phương án mua điện gió từ Lào (Ảnh: EVN).
Phương án đấu nối được đề xuất là xây mới đường dây 220kV mạch kép từ trạm biến áp 220kV nhà máy điện gió Trường Sơn, với chiều dài 75km đấu nối vào ngăn lộ 220kV tại trạm biến áp 220kV Đô Lương (Nghệ An – Việt Nam).
Theo EVN, biên bản ghi nhớ giữa Chính phủ hai nước Lào và Việt Nam đưa ra quy mô công suất nhập khẩu tối thiểu điện từ Lào về Việt Nam đến năm 2020 khoảng 1.000MW, đến năm 2025 khoảng 3.000MW và đến năm 2030 khoảng 5.000MW.
Trao đổi nhanh với phóng viên Dân Việt, PGS. TS Trần Văn Bình, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng: Việc EVN chủ trương nhập khẩu điện gió từ Lào về Việt Nam với giá 6,95 cent so với giá mua điện gió từ các dự án ở Việt Nam là 9,35 – 9,35 cent, đứng về góc độ kinh doanh là hợp lý, có tính thị trường và đảm bảo lợi ích kinh doanh cho EVN trong thời gian tới.
Tuy nhiên, ông Bình cho rằng nếu EVN mua điện từ thủy điện – nguồn điện nền, dư luận không phản ứng, nhưng mua điện gió, mọi chuyện sẽ khác. Bởi điện gió bản chất không phải là nguồn điện nền trong khi đó, các dự án điện gió, điện mặt trời trong nước đang vướng mắc nhiều cơ chế, chưa xử lý được và nhiều tiền của của nhà đầu tư, người dân vẫn ở trong các dự án điện gió “treo” hiện nay.
“Nếu mua điện từ thuỷ điện, thì người dân, nhà khoa học sẽ ủng hộ nhiều hơn vì đây là nguồn điện nền ổn định. Nhưng mua điện gió gây phản ứng dư luận là đúng, bởi về nguyên tắc đây vẫn là nguồn điện bất ổn định, trồi sụt. Điện gió của Lào tính chất là ở các vùng ven núi, khe núi sẽ có gió tương tự các dự án điện gió Việt Nam xây dựng ở Lao Bảo, Quảng Trị”, PGS Bình nói.
Nhập khẩu điện gió từ Lào, về chiến lược là không ổn
Theo ông Bình, việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra phương án nhập khẩu điện gió từ Lào có thể tốt về phương án kinh doanh song không có lợi về chiến lược, đặc biệt khi nhiều dự án điện gió, điện mặt trời đang có nhiều vướng mắc, chưa được giải quyết triệt để.
TS Bình khẳng định: “Nếu nhập điện gió từ Lào để giải quyết vấn đề lỗ lãi, thuần tuý kinh doanh của EVN thì chấp nhận được. Nhưng đứng về chiến lược phát triển của ngành điện là không ổn, cho dù chúng ta chỉ nhập điện vài % trong cơ cấu nguồn điện”.
Đối với người dân, vừa qua Bộ Công Thương không khuyến khích điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu và đưa ra vấn đề nếu người dân đầu tư điện loại này, thừa điện phát nối lưới, EVN sẽ chỉ mua giá 0 đồng. Tôi phản đối lập luận và quan điểm này. Đồng thời, cũng vì vấn đề này mà dư luận, người dân đặt dấu hỏi cho EVN mua điện gió từ Lào.
“Lý giải của Bộ Công Thương là giới hạn công suất tăng thêm đến năm 2030 chỉ là 2.600 MW, nên nếu tổng công suất nguồn này vượt quá sẽ ảnh hưởng tới cơ cấu nguồn điện, phá vỡ quy hoạch, tôi thấy chưa thuyết phục”, PGS Trần Văn Bình nêu vấn đề.
Theo ông Bình Quy hoạch điện VIII, mỗi năm Việt Nam sẽ bỏ ra khoảng 13 tỷ USD phát triển hệ thống điện, trong khi đó điện mái nhà người dân tự bỏ tiền ra đầu tư, Nhà nước và ngành điện không phải bỏ tiền. Cũng là phát triển điện thì Nhà nước, ngành điện nên ưu tiên để người dân làm điện tái tạo, ngành điện cần dồn tiền đầu tư điện nền như điện sinh khối, LNG, đầu tư hạ tầng đường truyền tải, pin dự trữ…
Cũng trao đổi với phóng viên Dân Việt, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả – Bộ Tài chính cho rằng: Nếu thuần tuý kinh doanh của ngành điện, nhập điện từ Lào là tốt vì đáp ứng đủ cơ cấu nguồn điện nhập khẩu , có tính thị trường. Tuy nhiên, không nên gia tăng thêm cơ cấu nguồn điện này, chỉ giới hạn % nhất định.
Mấu chốt vẫn là phải giải quyết được các trục trặc trong hiện trạng phát triển điện tái tạo của Việt Nam hiện nay, nhiều dự án đắp chiếu, vi phạm cần giải quyết tận gốc để có thể giúp chiến lược xã hội hoá nguồn điện được thực hiện tốt hơn.
Bên cạnh đó, yếu tố tiên quyết là giá, giá phải rẻ, thông qua cơ chế đấu thầu giá vì nhiều nước đã hạ giá điện tái tạo rất rẻ, giúp tăng lợi ích cho giá điện.
Ông Ánh cho rằng: Trong quy hoạch điện VIII, có thay đổi lớn từ cơ cấu nguồn phát, hầu hết nguồn mới lại là các nguồn điện có giá cao hơn so với giá điện bình quân hiện tại, kể cả gió, mặt trời và LNG…
“Nếu đưa Quy hoạch điện VIII vào thực hiện cần đưa khung giá điện cho các dự án tái tạo, kể cả việc bán điện trực tiếp từ chủ đầu tư đến khách hàng thay vì hoà lưới của EVN. Bên cạnh đó là làm rõ cơ chế giá mới phải bám theo Quy hoạch điện VIII… Các vấn đề này cần tránh việc đụng đâu, vướng đấy”, ông Ánh nói.
Theo TS Ánh, trong Quy hoạch điện VIII vẫn thiếu tầm nhìn về giá và quản lý giá điện và ngay cả đề xuất nhập khẩu điện từ Lào chẳng hạn… Chính vì vậy nên phải đưa phương án giá nhập khẩu điện vào phương án tính toán giá điện bình quân, lúc ấy mới không mang tính chất đối phó với tình thế như hiện nay.
https://danviet.vn/viet-nam-thua-tiem-nang-evn-van-muon-mua-dien-gio-tu-lao-chuyen-gia-noi-thang-su-that-20231220124524771.htm?fbclid=IwAR2qqBLmcljIohXYyzXeNXANtTnzqu9j3sgVJk94Q5Feb2NXgLJDAAol-Us