Vì sao khách Việt quay lưng với Phú Quốc?

Giá cả dịch vụ tại Phú Quốc không tương xứng với chất lượng, khiến khách du lịch dần “quay lưng”.

Khủng hoảng truyền thông

Chị Hồ Phương, du khách đến từ Thanh Hóa, cho biết không muốn quay trở lại Phú Quốc sau chuyến du lịch gặp cảnh “chặt chém”.

“Mình vào nhà hàng chọn một con cua to từ bể, mai cứng. Nhưng sau khi chế biến, bếp lại mang ra một con cua vỏ mềm, ọp ẹp. Hải sản giá cũng đắt hơn rất nhiều. Một cân tôm sú khoảng 1.000.000 đến 1.200.000 đồng, trong khi giá bình thường ở những vùng biển khác chỉ khoảng 500.000 đồng”, chị chia sẻ.

Ông Phạm Minh Quang – Tổng giám đốc Dolphin Tour, đánh giá tình trạng giá cả đắt đỏ ở Phú Quốc bắt đầu từ cuối năm 2022 – thời điểm khách du lịch tăng đột biến trong một giai đoạn, dẫn đến ùn ứ cục bộ, cung không đủ cầu. Đó là tình trạng chung ở nhiều điểm du lịch vào giai đoạn mở cửa hậu COVID-19.

Nhưng hiệu ứng kéo dài ở Phú Quốc, dẫn đến làn sóng phản ứng tiêu cực vào đầu 2023, đỉnh điểm vào trước kỳ nghỉ 30.4 – 1.5.

“Trong bối cảnh tất cả các điểm đến cùng tăng giá hơn 10%, giá cả tại Phú Quốc tăng khoảng 20% – nhưng tỉ lệ nghịch với chất lượng. Ví dụ, trước đây khách chi khoảng 150.000 – 180.000 đồng một bữa, thì giai đoạn ấy một bữa ăn lên tới 200.000 – 250.000 đồng nhưng dịch vụ không tương xứng với giá”, ông Quang nói.

Trước làn sóng chỉ trích về dịch vụ không tốt, Phú Quốc bị rất nhiều khách du lịch Việt Nam tẩy chay vì tình trạng chặt chém, đồ ăn không ngon, taxi giá đắt…

“Khách Việt đã mất thiện cảm với Phú Quốc trong thời gian vừa rồi, đặc biệt là nửa cuối năm nay”, ông Nguyễn Văn Hiếu – Tổng Giám đốc Vitamin Tours, cho biết.

Theo ông Hiếu, thị trường khách nội địa đến Phú Quốc năm nay của công ty thua kém, giảm khoảng 30 – 40% so với cùng kỳ năm trước.

“Cuối tháng 3, đầu tháng 4, chúng tôi có một đoàn khách du lịch MICE rất lớn, khoảng 500 khách bay từ Hà Nội và TPHCM đến Phú Quốc. Sau đó, chúng tôi gần như không còn đoàn nào lớn nữa mà chỉ có những đoàn nhỏ, khách lẻ trong nửa cuối năm 2023”, ông Hiếu nói.

Không riêng Phú Quốc, các địa phương muốn phát triển du lịch bền vững cần chú trọng nâng cao nhận thức, đào tạo nhân sự tại chỗ. Ảnh: Vietnam Travel

Chặng đường dài để hồi phục

Những tháng cuối năm, tình hình khởi sắc hơn vào mùa cao điểm inbound. Dù khách quốc tế đang trở lại, bù đắp cho thị trường nội địa vào những tháng cuối năm, ngành du lịch của đảo ngọc vẫn cần tính toán đến chặng đường dài, đặc biệt vào mùa thấp điểm khách quốc tế.

Bài toán đầu tiên của Phú Quốc chính là câu chuyện giá cả, đi kèm với chất lượng dịch vụ – để lấy lại hình ảnh đẹp, thân thiện của đảo ngọc. Đặc biệt, trong bối cảnh các điểm đến trong nước phải chịu sự cạnh tranh từ các điểm đến quốc tế, khách du lịch có xu hướng lựa chọn tiêu dùng thông minh, theo ông Phạm Minh Quang.

Cân nhắc đến chi phí du lịch Phú Quốc khoảng 9-10 triệu đồng/người vào dịp cao điểm lễ Tết, nhiều du khách có xu hướng chuyển sang những điểm nước ngoài như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Các doanh nghiệp du lịch xây dựng tour Phú Quốc gặp khó khăn về giá vé máy bay. Đơn cử, dịp Tết Dương lịch 2024, chặng bay Hà Nội – Phú Quốc có vé dao động từ 5,5 đến 7,9 triệu đồng, và khoảng 3,5 – 4 triệu đồng chặng TP HCM – Phú Quốc.

Điều này chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc khai thác của các hãng hàng không. Tính đến tháng 12.2023, chỉ còn ba địa phương Hà Nội, Hải Phòng và TPHCM có đường bay tới Phú Quốc. Nhiều đường bay từ Đà Nẵng, Cần Thơ, Nha Trang tạm dừng khai thác.

Khách mua sắm tại chợ đêm Phú Quốc, thị trấn Dương Đông vào tháng 7.2020. Ảnh: Nguyên Anh

Tuy nhiên, Phú Quốc không mất khách nội địa chỉ vì vé máy bay. Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, để phát triển đồng bộ, Phú Quốc phải biết cách phát triển hàng không, biết cách bán vé máy bay như là một phần của công cuộc cạnh tranh du lịch quốc tế.

Bài toán cần giải cho chặng đường dài để Phú Quốc lấy lại vị thế trên sân nhà còn nằm ở môi trường, nhân lực, bảo tồn và phát triển văn hóa địa phương.

Trong đó, “không thể đùa với vấn đề rác thải, nước bẩn, thiếu nước ngọt, túi rác nilon”… Những vấn đề thông thường, bình thường như vậy Phú Quốc cần phải giải quyết đầu tiên, theo PGS.TS. Trần Đình Thiên.

“Không chỉ chộp giật trong chuyện ăn uống, giá cả, mà xả rác bừa bãi cũng là một kiểu chộp giật. Không lo cho những gì căn bản, dài hạn nên cứ xả rác ra, kiếm ăn thật nhanh thì cũng giống như “chặt chém” du khách”, ông Trần Đình Thiên phân tích.

Bãi rác tạm trên Đồng Cây Sao (xã Cửa Dương, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang). Mỗi ngày trên địa bàn thành phố đảo có khoảng 200 tấn rác thải, trong đó khoảng 180 tấn được thu gom, còn 20 tấn vương vãi ngoài môi trường. Ảnh: Trúc Lâm

Tiếp theo là vấn đề nhân lực. Hiện nhân lực trong ngành du lịch ở Phú Quốc có tính thời vụ, không đảm bảo chất lượng ổn định lâu dài. Theo ước tính vào năm 2022, Phú Quốc có hơn 15.000 nhân lực phục vụ ngành du lịch, 190 hướng dẫn viên có thẻ hành nghề. Con số này chưa thể đáp ứng tới một nửa nhu cầu của ngành du lịch trên hòn đảo đón hơn 3 triệu lượt khách mỗi năm.

Cuối cùng, câu chuyện bảo tồn và phát triển văn hóa địa phương cần được quan tâm đặc biệt để Phú Quốc xây dựng hình ảnh đặc biệt so với những điểm đến nghỉ dưỡng biển khác.

Phú Quốc đã có giai đoạn phát triển “nóng”, đầu tư ồ ạt, đón lượng khách kỷ lục. Nhưng sau những đỉnh cao, đảo ngọc cần một giải pháp đồng bộ để xốc lại cả nền kinh tế với du lịch là ngành chủ lực. Nếu gọi hành trình từ dốc leo lại lên đỉnh cao ấy của Phú Quốc là một đại chiến dịch, đại chiến dịch ấy cần một chỉ huy đủ đanh thép để định hướng, tập trung nguồn lực của doanh nghiệp du lịch, lữ hành, hàng không và cả bộ máy chính quyền vào cuộc.

https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/vi-sao-khach-viet-quay-lung-voi-phu-quoc-1279548.ldo

XEM THÊM