Từ 1-6, người học lái xe không cần thi tốt nghiệp
Từ 1-6, Bộ GTVT đưa ra 1 số quy định tác động trực tiếp đến người học lái xe cũng như các quy định mở hơn cho vấn đề thi bằng lái.
Từ 1-6, Thông tư 05/2024 của Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến vấn đề đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe (GPLX) chính thức có hiệu lực.
Theo đó, Bộ GTVT đưa ra nhiều quy định mở cửa cho người học, thi bằng lái xe. Cạnh đó, cũng có nhiều quy định để siết các chiêu trò của người có GPLX không sử dụng đúng mục đích.
Nhiều quy định mới có lợi cho người học, thi bằng lái xe
Một trong những quy định mở hơn mà người học lái xe được hưởng từ Thông tư 05/2024 là việc học lý thuyết có thể học trên môi trường trực tuyến.
Cụ thể, khoản 4 Điều 4 Thông tư số 05/2024 bổ sung hình thức đào tạo lái xe đối với nội dung học lý thuyết. Theo đó, người học được lựa chọn một trong các hình thức sau: tập trung tại cơ sở đào tạo; tập trung tại cơ sở đào tạo kết hợp với đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn; đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn.
Riêng 1 số môn phải học tập trung tại cơ sở đào tạo, gồm: cấu tạo và sửa chữa thông thường; kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; kỹ thuật lái xe.
Từ 1-6, người học lái xe có thể học theo hình thức online. Ảnh: TN
Quy định thứ hai cũng sẽ khiến cho người học lái xe cảm thấy bớt “áp lực” hơn đó là không còn quy định thi tốt nghiệp. Thay vào đó, người có nhu cầu cấp GPLX phải kiểm tra các môn lý thuyết và thực hành tại cơ sở đào tạo, để được xét cấp chứng chỉ sơ cấp nghề, chứng chỉ đào tạo. Tức là học xong môn nào thì kiểm tra môn đó, sau đó tổng hợp kết quả thay vì thi tốt nghiệp như trước đây.
Đáng chú ý, trong Thông tư 05/2024 lần này, Bộ GTVT đã bỏ quy định thi mô phỏng đối với người có GPLX quá thời hạn sử dụng.
Cụ thể, người có GPLX quá thời hạn từ 3 tháng đến dưới 1 năm, kể từ ngày hết hạn phải sát hạch lại lý thuyết. Đối với việc GPLX quá từ 1 năm trở lên kể từ ngày hết hạn phải sát hạch lại lý thuyết, thực hành lái xe trong hình và trên đường để cấp lại GPLX.
Theo đó, những người đã đạt các điều kiện trước đó có thể nộp hồ sơ lên Sở GTVT xác minh và cấp GPLX (nếu đủ điều kiện).
Một quy định mở khác được Bộ GTVT quy định trong khoản 8, khoản 9, Điều 4 Thông tư số 05/2024 là không quy định nội dung và phân bố chi tiết các môn học; số học sinh trên 1 xe tập lái, quy định mở và giao cơ sở đào tạo căn cứ thời gian, chương trình đào tạo và chương trình khung để xây dựng.
Đồng thời cũng giao cho cơ sở đào tạo tự xây dựng từng phương án bố trí số học viên trên xe tập lái mà không quy định cứng số giờ học cho 1 khóa đào tạo như trước đây đối với đào tạo lái xe các hạng B1, B2, C (Khoản 8 Điều 4 Thông tư số 05/2024).
Đơn vị đào tạo chưa sẵn sàng dạy lý thuyết từ xa
Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết Sở đã tập huấn và giải thích các điểm mới từ Thông tư 05/2024 cho các cơ sở đào tạo, sát hạch trên địa bàn TP nắm bắt và thực hiện.
Tuy nhiên, theo khảo sát của PV, hiện khá nhiều đơn vị đào tạo lái xe ở TP.HCM chưa “mặn mà” việc hình thức đào tạo lý thuyết trực tuyến (online).
Nhiều quy định mới tác động đến người học và thi bằng lái xe từ 1-6. Ảnh: TN
Theo đại diện một đơn vị đào tạo, sát hạch lái xe tại TP.HCM, trước đây GPLX hạng B1 được học online thì hiện nay hạng B2 cũng được lựa chọn hình thức online. Tuy nhiên, theo quy định việc học online bắt buộc phải có sự tương tác giữa giáo viên và người học, lớp học được mở phải đúng khung giờ báo trước khiến cho đơn vị chưa mở khóa đào tạo online.
“Giáo viên từ trước đến nay đều dạy trực tiếp, đối với việc học online thì phải chuẩn bị giáo trình, giáo án trình chiếu cho học viên. Mình phải báo cáo, đăng ký dạy trực tuyến và có sự tương tác chứ không phải offline như nhiều người nghĩ”- vị này cho hay.
Cũng theo vị đại diện này, một khóa học sẽ có mỗi người một trình độ văn hóa, kỹ năng về công nghệ thông tin khác nhau, không phải ai cũng biết mở zoom, google meet lên để học nên việc mở khóa học online sẽ khó cho trường.
“Bên trường vẫn chưa có kế hoạch triển khai, đây cũng là hướng mở cho các trường nên khi có điều kiện thuận lợi thì trường sẽ tổ chức”- vị đại diện nói thêm.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Ngô Đình Quang, Trưởng phòng Quản lý sát hạch và cấp GPLX, cho biết mỗi đơn vị đào tạo muốn dạy học online thì phải xây dựng phần mềm, chương trình, giáo trình, giáo án, phương án thực hiện việc điểm danh như thế nào… Tất cả những vấn đề này được trường xây dựng và Sở GTVT xem xét đủ điều kiện hay không.
“Đây là hình thức đào tạo tập trung trên môi trường số, học viên và giáo viên phải có sự tương tác với nhau. Các trường có thể lựa chọn giữa các hình thức khác, đơn vị nào hoàn thiện kế hoạch gửi Sở duyệt thì sẽ thực hiện và không bắt buộc”- ông Quang nói.
Ông Quang cũng cho biết thêm, quy định mới của Bộ GTVT cũng bổ sung thêm vào phần lý thuyết có 4 giờ cho môn học phòng cháy chữa cháy, cứu hộ. Đây là vấn đề đang được Bộ GTVT chú trọng.
Siết hành vi cho người khác mượn bằng lái xe
Bộ GTVT bổ sung trường hợp thu hồi GPLX khi để người khác sử dụng GPLX của mình. Cụ thể, Thông tư 05/2024 sửa đổi, bổ sung khoản 14 Điều 33 Thông tư số 12/2017/ (đã được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 19 Điều 1 Thông tư số 38/2019/) như sau:
Các trường hợp thu hồi GPLX từ 1-6 bao gồm:
Người lái xe có hành vi gian dối để được cấp GPLX;
Người lái xe tẩy, xóa, làm sai lệch các thông tin trên GPLX;
Để người khác sử dụng GPLX của mình;
Cơ quan có thẩm quyền cấp cho người không đủ điều kiện;
Có sai sót một trong các thông tin về họ tên, ngày sinh, quốc tịch, nơi cư trú, hạng GPLX, giá trị cấp, ngày trúng tuyển, người ký;
Thông qua việc khám sức khỏe Cơ quan có thẩm quyền xác định trong cơ thể người lái xe có chất ma túy (trừ các hành vi xử lý theo quy định tại điểm c và điểm d khoản 10 Điều 5; điểm h và điểm i khoản 8 Điều 6 Nghị định số 100/2019).
THY NHUNG
Nguồn PLO: https://plo.vn/tu-1-6-nguoi-hoc-lai-xe-khong-can-thi-tot-nghiep-post793118.html