Tốn công tốn của học đại học, cử nhân nhận lương bằng công nhân
Mức lương khởi điểm mà phần lớn các đơn vị sử dụng lao động đề xuất cho ứng viên theo trình độ đại học là từ 5 – 10 triệu đồng/tháng. Đây cũng là mức lương doanh nghiệp tuyển dụng lao động phổ thông hiện nay.
Doanh nghiệp đề xuất mức lương trình độ đại học chỉ từ 5 triệu đồng
Theo kết quả khảo sát thực trạng nhu cầu tuyển dụng lao động vừa được ĐH Quốc gia TP.HCM công bố, trong gần 1.800 doanh nghiệp, cơ quan nhà nước tại 4 tỉnh, thành Đông Nam bộ, có 67% đơn vị sử dụng lao động ưu tiên tuyển nhân sự tốt nghiệp từ các cơ sở đào tạo thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM.
Trong đó, nhân sự tốt nghiệp từ Trường ĐH Bách Khoa được ưu tiên tuyển dụng cao nhất.
Các ngày hội việc làm được tổ chức tại TP.HCM đều thu hút số lượng lớn sinh viên tham gia. Ảnh: M.Q
Điều này cũng tương ứng với nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị sử dụng lao động tại Đông Nam bộ trong 3 năm 2020-2022. Trong đó, các tỉnh, thành phố gồm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu có xu hướng tuyển dụng nhân sự nhiều nhất ở lĩnh vực kỹ thuật (hơn 15.000 nhân sự/3 năm). Kế đó là lĩnh vực công nghệ kỹ thuật, sản xuất – chế biến, kinh doanh và quản lý, có trung bình số lượng nhân sự được tuyển dụng mới từ 10.000 đến trên 11.000 nhân sự cho mỗi lĩnh vực.
Khảo sát cũng cho thấy trong 3 năm tiếp theo, từ năm 2023 đến 2025, hoạt động tuyển dụng nhân sự của các địa phương này có xu hướng giảm.
Theo đó, so với giai đoạn 2020-2022, kiến trúc, xây dựng và dịch vụ xã hội là những lĩnh vực giảm nhu cầu tuyển dụng mạnh nhất (trên 30%).
Tiếp đến là các lĩnh vực nghệ thuật; toán và thống kê; công nghệ kỹ thuật; nông, lâm nghiệp và thủy sản; du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân giảm trên 20%.
Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng nhân sự thuộc lĩnh vực khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên; pháp luật và thú y có xu hướng tăng nhẹ.
Một công ty tuyển công nhân với mức lương học nghề gần 5 triệu đồng/tháng, tổng thu nhập sau học nghề từ 8-9 triệu đồng/tháng. Ảnh: M.Q
Lương khởi điểm của cử nhân chỉ bằng lương công nhân
Đặc biệt, về mức lương khởi điểm, khảo sát của ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết, phần lớn các đơn vị sử dụng lao động đề xuất cho ứng viên trình độ đại học chủ yếu 5-10 triệu đồng/tháng. Trình độ thạc sĩ có mức lương từ 10 – 20 triệu đồng/tháng, tiến sĩ từ 15 triệu đến trên 30 triệu đồng/tháng.
Chia sẻ về mức lương trình độ đại học chỉ từ 5-10 triệu đồng/tháng mà phần lớn các đơn vị sử dụng lao động đề xuất như ĐH Quốc gia TP.HCM khảo sát, không ít người cảm thấy chạnh lòng. Bởi chi phí bỏ ra để học đại học, những kiến thức chuyên môn, kỹ năng cứng, kỹ năng mềm, bằng cấp mà các cử nhân có được… cũng chỉ mang lại mức thu nhập như các doanh nghiệp đang tuyển lao động phổ thông, lao động chưa qua đào tạo.
Tại một ngày hội việc làm vừa được Liên đoàn Lao động TP.HCM tổ chức ngày 17/12 vừa qua, hơn 20.000 vị trí việc được các doanh nghiệp tung ra để tìm người lao động. Trong số này, có hàng ngàn vị trí không cần kinh nghiệm, bằng cấp; được cam kết đào tạo nghề và có thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở lên, thậm chí vài chục triệu đồng.
Học sinh dự thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức. Ảnh: M.Q
Cụ thể, một công ty về thức uống giải khát cần tuyển khoảng 20 lao động phổ thông, làm việc các vị trí như nhân viên kho, nhân viên tiếp thị, nhân viên bán hàng tại quầy… Tùy vị trí, mức lương khởi điểm giao động từ 6-10 triệu đồng/tháng; có những vị trí ngoài lương cơ bản còn có hoa hồng từ doanh số. Đơn vị này cam kết chỉ cần ứng viên từ 18-35 tuổi, không yêu cầu bằng cấp hay kinh nghiệm, được đào tạo miễn phí và được đóng bảo hiểm theo quy định; tăng lương định kỳ.
Tương tự, một công ty may các thiết bị dành cho ô tô ở TP. Thủ Đức cũng tuyển 30 lao động phổ thông. Đại diện công ty này cho biết, tổng thu nhập công nhân may mới vào làm (sau khi được đào tạo tay nghề) là khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Ông Phạm Văn Thắng, phụ huynh có con đang học đại học tại TP.HCM, cho biết tiền học phí, tiền ăn ở sinh hoạt mỗi năm ngốn từ 70-90 triệu đồng. Sau 4 năm đại học, tổng số tiền chi cho con trên dưới 500 triệu đồng, con số không hề nhỏ.
“Thật sự, ai cũng muốn con cái học đại học để có tương lai đỡ vất vả. Khi có kiến thức, có bằng cấp thì cơ hội thăng tiến sẽ cao hơn… Thế nhưng, với mức lương 5-10 triệu đồng đối với trình độ đại học thì đúng là rất bèo bọt. Mức lương này có khác gì tuyển lao động phổ thông, không có tay nghề, chưa qua đào tạo?”, ông Thắng nói.
Cũng theo khảo sát của ĐH Quốc gia TP.HCM, thái độ của ứng viên là yếu tố được đơn vị sử dụng lao động chú trọng nhất, kế đến là kiến thức và kỹ năng.
Về yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động đối với kỹ năng, thái độ của ứng viên, các đơn vị sử dụng lao động đều thể hiện mức độ mong muốn đối với tất cả kỹ năng, thái độ được khảo sát từ mức khá mong muốn trở lên (≥ 3,84 điểm).
Trong đó, “tính trung thực, lòng trung thành” là yếu tố được đơn vị sử dụng lao động mong muốn nhiều nhất ở ứng viên.
Các đơn vị sử dụng lao động cũng rất mong muốn ứng viên có được “sự tự giác chuyên cần trong công việc”, “tinh thần chịu trách nhiệm” và “tinh thần cầu tiến, chấp nhận thử thách”.
https://danviet.vn/ton-cong-ton-cua-di-hoc-muc-luong-trinh-do-dai-hoc-chi-bang-luong-cong-nhan-20231222211551162.htm