Tăng lương từ 1/7: Nhiều người chưa mừng đã lo nộp thuế

Từ ngày 1/7, lương cơ sở của công chức, viên chức tăng 30%. Tuy nhiên mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân lạc hậu nên nhiều người chưa kịp mừng tăng lương đã phải lo nộp thuế thu nhập cá nhân.

Đại diện Bộ Nội vụ cho biết, từ ngày 1/7, tiền lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (30%) cho tất cả cán bộ, công chức. Đối với khu vực doanh nghiệp, lương tối thiểu vùng theo quy định của Luật Lao động sẽ tăng 6% so với năm 2023.

Mức lương của công chức, viên chức bằng lương cơ sở nhân với hệ số lương. Theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP, mức lương cao nhất đối với chuyên gia cao cấp gồm 3 bậc lương với hệ số lần lượt: 8,8; 9,4 và 10.

Sau khi tăng lương, tổng mức lương của chuyên gia cao cấp bậc 3 lên tới 23,4 triệu đồng/tháng. Nếu không có người phụ thuộc, mỗi chuyên gia cao cấp phải đóng thuế mức 10% (sau khi giảm trừ cho người nộp thuế mức 11 triệu đồng/người/tháng).

Vị trí viên chức loại A3 với 6 bậc lương, tương ứng số tiền lương nhận được từ 14,5 – 18,7 triệu đồng/người/tháng. Với khoản lương này, nếu không có người phụ thuộc, mỗi cá nhân phải nộp thuế thu nhập cá nhân ở mức 5% (sau khi giảm trừ cho người nộp thuế mức 11 triệu đồng/người/tháng).

Ngoài 2 vị trí có mức lương cao nhất ở trên, khi tăng lương, công chức, viên chức có tổng lương nhận được vượt mức 11 triệu đồng/tháng sẽ bắt đầu đóng thuế thu nhập cá nhân hàng tháng.

Tăng lương 30%, nhiều người phải đóng thuế thu nhập cá nhân nhiều hơn. (Ảnh minh họa).

Chị Bích Ngọc – nhân viên đơn vị sự nghiệp công lập tại Hai Bà Trưng (Hà Nội) – cho biết, mức lương hiện nay của chị gần 10 triệu đồng/tháng. Từ 1/7, tăng lương 30%, chị Ngọc nhẩm tính, lương nhận được khoảng 13 triệu đồng/tháng.

“Sau khi tăng lương, hàng tháng tôi phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay cho người nộp thuế 11 triệu đồng/người/tháng và giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/người/tháng quá lạc hậu.

Tôi sinh sống ở Hà Nội, mọi chi phí sinh hoạt cao, mức giảm trừ này không đủ lo cho cuộc sống. Nay vừa tăng lương lại phải lo nộp thuế thu nhập cá nhân hàng tháng”, chị Ngọc cho biết.

Sự lạc hậu của thuế thu nhập cá nhân được phản ánh nhiều năm nay. Mức giảm trừ gia cảnh trong 10 năm qua giữ nguyên trong khi chi phí sinh hoạt, giá mặt hàng không ngừng tăng.

Theo đó, cách tính thuế thu nhập cá nhân dựa trên tiền công, tiền lương với 7 bậc đánh thuế, thấp nhất 5% và cao nhất 35%.

Sau khi giảm trừ gia cảnh (người nộp thuế 11 triệu đồng/người/tháng và giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/người/tháng), mức thuế các bậc gồm: Thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở xuống mức thuế 5%; từ 5-10 triệu đồng/tháng mức thuế 10%; trên 10-18 triệu đồng mức 15%; từ 18-32 triệu đồng nộp thuế 20%; từ 32-52 triệu đồng nộp thuế 25%; từ 52-80 triệu đồng nộp thuế 30% và trên 80 triệu đồng nộp thuế 35%.

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS. Phan Phương Nam – Đại học Luật TPHCM – cho rằng, cách tính thuế thu nhập cá nhân lạc hậu, bậc tính thuế quá sát, quá nhiều bậc và tạo gánh nặng cho người làm công ăn lương.

Ông Nam kiến nghị, cơ quan chức năng nên quy định theo hướng mức giảm trừ gia cảnh cao gấp 3-4 mức lương. Khi lương tăng, mức giảm trừ gia cảnh sẽ tăng theo.

“Tăng lương nhưng không giải quyết được câu chuyện giảm trừ gia cảnh, nâng ngưỡng thu nhập chịu thuế sẽ khiến người làm công ăn lương chịu áp lực. Nhà nước tăng lương nhằm hỗ trợ cuộc sống cho người làm công ăn lương, tuy nhiên, khoản đóng thuế đã ngốn một phần lương tăng, chưa kể yếu tố tăng giá hàng hóa”, TS. Phan Phương Nam đánh giá.

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tang-luong-tu-17-nhieu-nguoi-chua-mung-da-lo-nop-thue-post1648481.tpo

XEM THÊM