Sự cố hiện trường vụ cứu nạn bé Hạo Nam, chuyên gia nước ngoài đến hỗ trợ
Trước diễn biến phức tạp của hoạt động cứu nạn, chậm trễ đưa bé Hạo Nam trở về với gia đình, chính quyền Đồng Tháp đã hội ý, nhờ sự hỗ trợ của các chuyên gia và huy động thêm phương tiện.
Chiều 5/1, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết “các lực lượng vẫn đang có mặt tại hiện trường nhưng đến thời điểm này, việc cứu hộ bé Hạo Nam chưa thể hoàn tất vì liên quan đến khó khăn kỹ thuật; các phương án đưa ra đang bị trở ngại”.
Theo ông Bửu xác nhận, trong chiều 5/1 tổ chuyên gia Nhật Bản gồm 8 người đã trực tiếp đến hiện trường nơi bé Hạo Nam gặp nạn, tìm hiểu kỹ, tính toán chọn giải pháp tốt nhất để triển khai cứu hộ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu trả lời báo chí vào chiều 5/1.
“Lực lượng cứu hộ phải thi công trong điều kiện tầng đất ở sâu, có tính chất đặc dính, cùng nhiều lần khoan guồng xoắn kết hợp bơm thuỷ lực nhưng chưa đạt được yêu cầu, nên giờ phải thay đổi. Chúng tôi đang hội ý, thảo luận với các chuyên gia được mời đến hiện trường để thống nhất phương án tiếp theo, do vậy công tác cứu hộ cứu nạn chậm so với dự kiến ban đầu… ”, vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói rõ.
Ông nói thêm, đoàn chuyên gia Nhật Bản đã đưa ra phương án rất khả thi nhưng thiết bị, phương tiện chưa tập hợp đủ. Các chuyên gia vẫn đang thảo luận, chọn phương án tối ưu, phù hợp năng lực, điều kiện của đội thi công.
Theo tìm hiểu, rạng sáng 5/1 khi thực hiện cứu nạn cẩu ống trụ bê tông thì xảy ra sự cố. Cụ thể, quá trình cẩu ống trụ gồm 3 đoạn ống đã khiến cho mối nối giữa ống thứ 2 và thứ 3 bị lệch. Do đó lực lượng hiện trường đã tạm dừng và có thể coi đây là thất bại.
Ngoài ra, ông Bửu còn xác nhận, đang huy động thêm nhiều phương tiện, thiết bị, trong đó có một cẩu có tải trọng 120 tấn, từ nơi khác đến hiện trường vì cần phải dự phòng cho nhiều phương án khác nhau.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu trả lời báo chí vào chiều 5/1.
Từ trưa đến 17h ngày 05/1, tất cả các lực lượng cứu hộ, cứu nạn, an ninh vẫn đang túc trực xuyên suốt tại hiện trường.
Được biết, từ khi xảy ra vụ tai nạn với bé Hạo Nam tại công trình xây dựng cầu Rọc Sen ở xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, chính quyền tỉnh Đồng Tháp đã tiếp nhận được nhiều ý kiến, góp ý, các phương án của chuyên gia trong và ngoài nước, có kinh nghiệm, am tường trong lĩnh vực cứu hộ, cầu phà…
Qua báo, đài, ông Bửu nói, trân trọng cảm ơn đến các chuyên gia, những người đã có tấm lòng quan tâm giúp đỡ Đồng Tháp trong thời gian qua.
“Chúng tôi mong muốn nhận được những ý kiến, đóng góp về các giải pháp kỹ thuật để cứu hộ em bé, làm thế nào để rút ngắn, tiến tới hoàn thành công việc khó khăn này”, ông Bửu nói.
Theo Hoài Thanh (VietNamNet)