Quảng Ngãi: Tranh chấp địa bàn khai thác ốc gạo, một ngư dân bị đánh nhập viện

Ngư dân xã Đức Lợi (H.Mộ Đức, Quảng Ngãi) phản ánh khi đang khai thác ốc ruốc (ốc gạo) trên vùng biển gần bờ bị một nhóm người dùng hung khí tấn công, phá ngư lưới cụ.

Chiều 26.2, trao đổi với PV Thanh Niên, thượng tá Cao Chánh Vỹ, Đồn trưởng Đồn biên phòng Đức Minh (Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, đơn vị đã tiếp nhận thông tin trình báo từ ngư dân xã Đức Lợi (H.Mộ Đức). Theo đó, trong quá trình khai thác ốc gạo trên vùng biển xã Đức Minh (H.Mộ Đức, Quảng Ngãi), ngư dân xã Đức Lợi đã bị ngư dân xã Đức Minh đánh đuổi và phá dụng cụ khai thác. Hậu quả, một ngư dân bị thương phải nhập viện cấp cứu.

“Hiện đơn vị đang điều tra, xác minh để làm rõ vụ việc. Đồng thời, chờ kết quả giám định thương tật của ngư dân bị đánh nhập viện từ cơ quan chuyên môn. Sau đó sẽ xem xét chuyển hồ sơ cho cơ quan công an tiếp tục xử lý”, thượng tá Cao Chánh Vỹ cho biết thêm.

Ngư dân Lê Văn Phú bị đánh gây thương tích. NGƯỜI DÂN CUNG CẤP

Vùng biển Đức Minh có nhiều ốc gạo sinh sống. Ốc gạo xuất hiện từ tháng giêng cho đến cuối tháng ba âm lịch hàng năm. Nghề cào ốc gạo mang lại thu nhập cao, trung bình mỗi ngày ngư dân kiếm được được từ 2 đến 4 triệu đồng/người.

Vì thu nhập cao cho nên cứ đến mùa ốc gạo, một số ngư dân ở xã Đức Minh lại muốn chiếm dụng, độc quyền khai thác. Do đó, một số ngư dân ở nơi khác trong tỉnh Quảng Ngãi đến vùng biển Đức Minh khai thác ốc gạo sẽ bị đuổi, đánh, không cho khai thác.

Trước đó, trưa 24.2, hàng chục ngư dân xã Đức Lợi (H.Mộ Đức) bị một số ngư dân xã Đức Minh tấn công trong lúc đang khai thác ốc gạo ở vùng biển xã Đức Minh. Ngư dân Lê Văn Hạnh (ở xã Đức Lợi) cho biết, vào khoảng 8 giờ cùng ngày, nhóm ngư dân xã Đức Lợi đến vùng biển xã Đức Minh cào ốc gạo. Khi đang chuẩn bị khai thác ốc, một nhóm 6 ghe của ngư dân xã Đức Minh lao tới ngăn cản.

Ông Hạnh bị 3 ghe lao tới áp sát, khống chế. Một số người dùng vỏ chai bia tấn công, dùng rựa chặt vào ghe và chặt đứt dụng cụ khai thác ốc gạo.

Ngư dân Lê Văn Hạnh bên chiếc tàu của mình, ngư lưới cụ bị cướp sạch. HẢI PHONG

“Họ dùng rựa tấn công em trai tôi là Lê Văn Phú gây thương tích, phải khiêng đi cấp cứu. Ngoài việc chặt phá dụng cụ khai thác ốc, mấy người đó còn lấy của tôi 3 cái điện thoại”, ngư dân Hạnh nói.

Còn ngư dân Nguyễn Lúc (ở xã Đức Lợi) cho hay, nhóm người kia quá hung dữ nên ông buộc phải quỳ lạy xin tha. Sau một hồi đập phá, nhóm người trên các ghe của xã Đức Minh mới rời đi. Khi đó, ông Lúc mới cùng nhóm ngư dân Đức Lợi hỗ trợ nhau quay về bến, trình báo cơ quan chức năng.

Tàu của ngư dân Nguyễn Văn Thôi (ở xã Đức Lợi) cũng bị nhóm người đi ghe từ hướng xã Đức Minh lao đến chửi bới, tấn công. Riêng ông Thôi bị khống chế, đánh vào mặt, phá nhiều dụng cụ khai thác ốc gạo. Nhóm người này còn dùng rựa chém nhiều nhát vào thân tàu của ông Thôi.

Ngư dân Nguyễn Văn Thôi kể lại lúc bị hành hung khi đang khai thác ốc gạo ở ngư trường biển Đức Minh. HẢI PHONG

“Họ hung dữ lắm, mình có nói gì cũng không được. Riêng tôi hôm nay bị thiệt hại khoảng 15 triệu đồng. Bị đánh vậy nhưng không dám quay phim lại đâu, bọn họ mà biết là cướp điện thoại, đánh đập dã man hơn”, ngư dân Thôi chia sẻ.

Liên quan đến việc ngư dân xã Đức Lợi bị tấn công khi đang khai thác ốc gạo, ông Lê Văn Tiến, Phó bí thư Đảng ủy UBND xã Đức Lợi, cho biết đã nắm được thông tin sự việc. Chính quyền địa phương đang thu thập thông tin để báo cáo UBND huyện nhằm có hướng chỉ đạo xử lý.

Ngư dân xã Đức Minh được mùa ốc gạo. TRỌNG NGUYỄN

Theo một số ngư dân ở các địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi, ngư dân xã Đức Minh cho rằng ốc gạo trên vùng biển Đức Minh là của họ nên người ở nơi khác không được phép khai thác. Vì vậy, nhiều ngư dân ở nơi khác đến khai thác ốc gạo đã bị ngư dân xã Đức Minh đuổi đánh gây thương tích. Tháng 4.2023, nhiều ngư dân ở xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) vào ngư trường biển Đức Minh để khai thác ốc gạo cũng đã bị tấn công gây thương tích.

Ốc gạo là món ăn khoái khẩu của nhiều người. HẢI PHONG

Mặc dù chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng đã tuyên truyền việc ngư trường trên biển là của chung, không riêng của địa phương nào; các ngư dân địa phương không có cơ sở để ngăn chặn ngư dân nơi khác đến khai thác. Thế nhưng, cứ đến mùa khai thác ốc gạo lại diễn ra cảnh xô xát, đuổi đánh, tranh chấp ngư trường, làm mất an ninh trật tự.

Nguồn Thanh Niên: https://thanhnien.vn/quang-ngai-tranh-chap-dia-ban-khai-thac-oc-gao-mot-ngu-dan-bi-danh-nhap-vien-18524022416181114.htm

XEM THÊM