‘Nút cổ chai’ trên cao tốc Cam Lộ – La Sơn nguy hiểm thế nào
Cao tốc Cam Lộ – La Sơn giai đoạn 1 thiết kế mỗi bên một làn đường, riêng những điểm cho phép vượt được thiết kế hai làn xe. Tài xế cần đặc biệt lưu ý ở đoạn “hai làn nhập một” để tránh va chạm khi hết dải phân cách.
Thông báo khoảng cách đến đoạn đường cho phép vượt (thiết kế mỗi bên hai làn xe) ở cao tốc Cam Lộ – La Sơn – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Từng kẻ lại vạch để tăng điểm cho vượt
Cao tốc Cam Lộ – La Sơn (nối Quảng Trị với Thừa Thiên Huế) hiện có thiết kế mỗi bên một làn đường, một làn dừng khẩn cấp mà không có dải phân cách ở giữa. Tốc độ quy định từ 60 đến 80km/h.
Ở những đoạn cho phép vượt thì mỗi bên được thiết kế có dải phân cách, mỗi bên hai làn xe và có thêm một làn dừng khẩn cấp.
Theo ghi nhận suốt chiều dài hơn 98km tuyến này, trung bình mỗi đoạn từ 5 – 8km lại có một đoạn thiết kế mỗi bên hai làn xe chạy để cho phép các xe vượt lên. Tùy điểm mà mỗi đoạn cho phép vượt này dài từ 1,5 – 2km.
Đưa vào sử dụng từ cuối năm 2022 thì đến giữa năm 2023, xuất hiện tình trạng xe tải chạy chậm tốc độ 20 – 30km/h nhưng các xe khác xếp hàng phía sau không thể vượt lên (vì phải chờ đến đoạn bốn làn đường để vượt).
Do vậy, để đảm bảo tốc độ lưu thông thì bên cạnh những điểm vượt bốn làn xe được thiết kế ban đầu, tuyến này còn kẻ thêm vạch nét đứt để xe được phép vượt đối với đoạn đảm bảo tầm nhìn ở những đoạn hai làn xe.
Đi qua nhiều đồi dốc nhưng cao tốc Cam Lộ – La Sơn (nối Quảng Trị với Thừa Thiên Huế) chỉ có một làn đường mỗi bên, lái xe phải đặc biệt cẩn trọng – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Anh Ngô Phi Hà, lái xe thường xuyên đi tuyến Lao Bảo – Đà Nẵng, cho biết từ khi kẻ lại vạch cho phép vượt ở những đoạn có hai làn xe thì tốc độ di chuyển được cải thiện đáng kể.
Vì nếu chỉ chờ đến những đoạn mỗi bên hai làn đường để vượt thì nhiều thời điểm xe phải nối đuôi nhau trên đoạn dài.
“Tuyến đường này đi qua địa hình đồi dốc, một khi có xe tải chở nặng phía trước thì xe phía sau chỉ biết chờ đoạn cho phép vượt. Tuy vậy do đoạn đường này chưa có hệ thống camera giám sát, ít thấy lực lượng chức năng nên cũng có nhiều tài xế vượt ẩu” – anh Hà nói.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online trong ngày 17 và 18-2, dòng xe cộ đi lại trên cao tốc Cam Lộ – La Sơn rất đông đúc, đặc biệt là hướng Bắc – Nam. Xe cộ di chuyển chậm dưới tốc độ cho phép nên tài xế tranh thủ những đoạn cho phép vượt (có thiết kế mỗi bên hai làn xe và một làn dừng khẩn cấp) để bứt tốc, tách đoàn.
Dù xe cộ nối thành hàng dài nhưng nhiều lái xe khách đường dài vẫn vượt ẩu, lấn làn bất chấp vạch nét liền (cấm vượt).
Thông báo cho phép vượt ở những đoạn thiết kế bốn làn đường, mỗi bên hai làn và có dải phân cách ở giữa – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Tuân thủ biển báo, tránh giật mình đường “2 nhập 1”
Theo ghi nhận, hiện nay hệ thống biển cảnh báo trên tuyến cao tốc Cam Lộ – La Sơn khá hoàn chỉnh. Suốt tuyến đường có những biển lớn thông báo cho lái xe biết khoảng cách đến đoạn đường cho phép vượt.
Khi bắt đầu đoạn cho phép các xe vượt lên ở đoạn hai làn xe đều có bảng thông báo.
Đồng thời, cuối những đoạn đường “hai làn nhập một” đều có bảng thông báo lớn “kết thúc đoạn đường cho phép vượt xe” và các vạch đường cảnh báo. Đây cũng chính là vị trí chiếc xe bảy chỗ biển kiểm soát 36A-485.67 gặp nạn làm ba người chết vào sáng 18-2.
Khởi tố tài xế gây tai nạn làm 3 mẹ con tử vong trên cao tốc Cam Lộ – La Sơn
Tuy nhiên, nhiều tài xế cho biết từng suýt gặp nạn trên các đoạn đường “nút cổ chai” này do chưa quen đường. Nguyên nhân do đây là đoạn cao tốc duy nhất ở miền Trung có thiết kế riêng mỗi bên hai làn xe ở những đoạn cho phép vượt.
Một đoạn “nút cổ chai” khi từ “hai làn nhập một”, kết thúc dải phân cách ở tuyến cao tốc Cam Lộ – La Sơn – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Anh Xuân Nam (Quảng Nam) cho biết 300km cao tốc miền Trung được thiết kế mỗi nơi một kiểu nên có lần xe anh suýt bị “kẹp” ở đoạn đường “hai làn nhập một”.
“Có lần tôi bám đuôi xe khác cố vượt lên nhưng xe đi làn trong cùng chạy với tốc độ tối đa 80km/h như xe tôi nên gần hết đường cho phép vượt vẫn không qua mặt được xe làn trong cùng”, anh Nam nói.
Anh Nam khuyến cáo những tài xế mới lần đầu đi cao tốc qua miền Trung cần đặc biệt chú ý và tuyệt đối tuân thủ hệ thống biển cảnh báo.
Đặc biệt với những đoạn đường đồi dốc không có dải phân cách.
Tài xế di chuyển trên đường cao tốc mới triển khai giai đoạn 1, chưa có dải phân cách cần đặc biệt lưu ý hệ thống cảnh báo, nhất là khi đi qua đoạn đồi núi – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành rà soát và tăng cường tổ chức giao thông hợp lý trên tuyến cao tốc Cam Lộ – La Sơn và hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng yếu, nhất là các tuyến cao tốc chỉ có hai làn xe và các tuyến cao tốc không có làn dừng khẩn cấp. Đặc biệt lưu ý bổ sung các kết cấu hộ lan, hốc cứu hộ, cứu nạn trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trong cả nước.
(trích công điện của Thủ tướng ngày 18-2)
300km cao tốc miền Trung, mỗi nơi một vẻ
Hiện nay cao tốc đi qua năm tỉnh miền Trung dài hơn 300km. Theo đó tuyến cao tốc Quảng Ngãi – Đà Nẵng dài 140km thiết kế mỗi bên hai làn đường thì ở điểm nào cũng có thể vượt được nếu đảm bảo an toàn. Đến cao tốc Hòa Liên – La Sơn dài 66km giai đoạn 1 thì mỗi bên một làn đường, cho phép vượt ở những đoạn vạch đứt. Cao tốc Cam Lộ – La Sơn dài 98km thì cho phép vượt ở những đoạn hai làn đường nên tài xế phải làm quen liên tục khi di chuyển.
(Theo Tuổi Trẻ)
https://tuoitre.vn/nut-co-chai-tren-cao-toc-cam-lo-la-son-nguy-hiem-the-nao-2024021823062219.htm