Nợ lương 140 giảng viên, nhân viên, Trường Đại học Quảng Bình không còn khả năng chi trả

“Đến thời điểm này, Trường Đại học Quảng Bình không còn khả năng để trả lương. Trước mắt, nhà trường chỉ có thể đủ nguồn đóng bảo hiểm xã hội, còn tiền lương của gần 140 viên chức, người lao động tiếp tục nợ”, xác nhận của lãnh đạo Trường Đại học Quảng Bình với Dân Việt.

Ngày 11/1, lãnh đạo Trường Đại học Quảng Bình cho biết, đơn vị đang tìm giải pháp để tháo gỡ việc nợ lương của gần 140 viên chức, người lao động.

Theo đó, thời gian qua, do những hạn chế trong công tác tuyển sinh, nguồn thu của đơn vị giảm, nên việc chi trả lương và các chế độ liên quan của 139 viên chức và người lao động hợp đồng của đơn vị này chưa bảo đảm theo quy định.

Trường Đại học Quảng Bình nợ lương 140 giảng viên, nhân viên, nói “không còn khả năng chi trả”. Ảnh: PV

Được biết, Trường Đại học Quảng Bình hiện có 238 viên chức, người lao động, trong đó có 99 người hưởng lương từ ngân sách, 139 viên chức, người lao động hưởng lương từ nguồn của đơn vị. Với nguồn thu chính của trường là từ học phí, trong khi tổng số sinh viên trong diện nộp học phí chưa đến 400 sinh viên nên trường đã không đủ khả năng chi trả, dẫn đến việc nợ lương từ 2 đến 7,5 tháng đối với 139 viên chức, người lao động nêu trên.

Lãnh đạo Trường Đại học Quảng Bình cho biết, để tháo gỡ khó khăn này, nhà trường đã tiến hành xây dựng đề án vị trí việc làm, tinh giản biên chế, tinh gọn tổ chức bộ máy, nỗ lực trong công tác tuyển sinh…, tuy nhiên đến thời điểm này, trường không còn khả năng để trả lương.

Trước mắt, nhà trường chỉ có thể đủ nguồn đóng bảo hiểm xã hội, còn tiền lương của gần 140 viên chức, người lao động tiếp tục nợ.

Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình đã lãnh đạo, chỉ đạo và trực tiếp làm việc với Trường Đại học Quảng Bình để nắm bắt tình hình hoạt động, xem xét, định hướng các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà trường.

Trước tình hình khó khăn của trường về tài chính, nhiều giảng viên là tiến sĩ, thạc sĩ tại Trường Đại học Quảng Bình phải bán hàng online và làm thêm nhiều việc khác để mưu sinh.

PV báo Dân Việt (thứ 2 bên phải) trong một lần làm việc với lãnh đạo Trường Đại học Quảng Bình về chậm chi trả tiền hỗ trợ cho sinh viên sư phạm.

Chia sẻ với PV Dân Việt, các giảng viên là tiến sĩ, thạc sĩ tại Trường Đại học Quảng Bình đã nêu ra giải pháp. Trước mắt, phải đầu tư phát triển các trung tâm tin học, ngoại ngữ tại trường theo mô hình của các trung tâm độc lập bên ngoài; thành lập trung tâm văn hóa – thể dục thể thao để phát triển mảng đào tạo học viên ngoài giờ hành chính. Trung tâm này sẽ phát triển theo định hướng như nhà thiếu nhi.

Về lâu dài, các giảng viên đề xuất trường đưa ra lộ trình mở thêm trường THCS-THPT ngay trong trường. Việc này có thể tận dụng được hệ thống cơ sở vật chất khang trang và đội ngũ giáo viên dư thừa chất lượng cao của trường.

Trước đó, báo điện tử Dân Việt đã có bài viết phản ánh về việc hàng trăm sinh viên sư phạm khóa K63 tuyển sinh năm 2021 của Trường Đại học Quảng Bình (tỉnh Quảng Bình) “dài cổ” chờ đợi tiền hỗ trợ theo Nghị định 116 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Sau phản ánh của báo Dân Việt, hàng trăm sinh viên sư phạm khóa K63 của trường này đã nhận được tiền hỗ trợ theo Nghị định 116 của Chính phủ.

https://danviet.vn/truong-dai-hoc-quang-binh-no-luong-140-giang-vien-nhan-vien-noi-khong-con-kha-nang-chi-tra-20240111132755263.htm

XEM THÊM