Những người đã tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca nên làm gì

PGS Dũng cho hay biến chứng TTS chỉ xảy ra ở lần tiêm đầu tiên trong vòng một tháng đầu. Ở những lần tiêm vaccine này lần thứ hai, ba, bạn không bị hội chứng TTS.

AstraZeneca là vaccine phòng Covid-19 được tiêm đầu tiên và nhiều nhất tại Việt Nam. Ảnh: Duy Hiệu.

AstraZeneca mới đây đã thừa nhận vaccine Covid-19 của hãng dược này có thể gây ra tác dụng phụ hiếm gặp, gây cục máu đông. Trước đó, vaccine Covid-19 do ông lớn dược phẩm này phối hợp với ĐH Oxford nghiên cứu và sản xuất đứng trước vụ kiện tập thể cáo buộc gây tử vong và thương tật nghiêm trọng cho hàng chục người dùng.

Trước thông tin này, nhiều người lo lắng vì đã tiêm loại vaccine này trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam.

“Tôi đã tiêm 2 mũi chứ cũng không ít. Gia đình các bạn tiêm mấy mũi rồi?”

Chị Nguyễn Hà (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) đăng dòng trạng thái này lên tài khoản mạng xã hội của mình. Dưới bài viết, hàng trăm người đã bình luận bày tỏ sự lo lắng trước thông tin trên.

Không ít người chia sẻ gần đây bị giảm trí nhớ, đau đầu, trong gia đình có người bị đột quỵ, thậm chí số người bị đột quỵ ở Việt Nam cũng nhiều hơn. Họ thắc mắc liệu nguyên nhân có phải từ việc tiêm vaccine Covid-19 hay không.

Không nên hoang mang

Trao đổi với Tri thức – Znews, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết rối loạn đông máu gây cục máu đông (còn gọi là TTS) là biến chứng nghiêm trọng xảy ra khi tiêm vaccine.

Hiện nay, người ta chỉ phát hiện biến chứng này xảy ra sau khi tiêm vaccine Covid-19 loại vector là vi khuẩn Adenovirus (như vaccine của AstraZeneca hay Janssen) và với tỷ lệ nhỏ (khoảng 5/1.000.000 người). Biến chứng này cũng chưa được phát hiện có liên quan với các vaccine Covid-19 khác như của Pfizer hay Moderna.

Lý do vaccine này gây hại vì có một tỷ lệ rất nhỏ cá nhân có miễn dịch trước đó với cấu trúc kết hợp của PF4 và Adenovirus. Khi tiêm vaccine, miễn dịch này tăng lên gây kích hoạt tiểu cầu gây rối loạn đông máu. Những người không có miễn dịch trước đó sẽ không sao.

“Trường hợp thuốc và vaccine gây ra tác dụng phụ rất phổ biến. Tuy nhiên, trước thông tin AstraZeneca thừa nhận vaccine Covid-19 có thể gây đông máu trong một số trường hợp hiếm gặp, người dân cũng không cần quá hoang mang, lo sợ”, PGS Dũng nói.

Ông phân tích hiện tượng đông máu nếu có xảy ra sẽ xuất hiện sau khi bạn tiêm một vài tháng. Điều lưu ý là biến chứng TTS chỉ xảy ra ở lần tiêm đầu tiên trong vòng một tháng đầu. Ở những lần tiêm vaccine này lần thứ hai, ba, bạn không bị hội chứng TTS.

Bên cạnh đó, chuyên gia này cho rằng loại vaccine nào cũng có tác dụng phụ. Ông lấy ví dụ vaccine phòng Covid-19 của Moderna và Pfizer đã được chứng minh có thể gây viêm cơ tim.

“Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, chúng ta đã cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích và thiệt hại của tiêm và không tiêm vaccine. Điều có thể thấy rõ là lợi ích chúng mang lại lớn hơn. Nếu không tiêm vaccine, số bệnh nhân tử vong do Covid-19 sẽ cao hơn rất nhiều”, Trưởng Khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, chia sẻ.

PGS Đỗ Văn Dũng cho rằng loại vaccine Covid-19 nào cũng có tác dụng phụ. Ảnh: Askanews.

Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM, cho hay thông tin có tác dụng trên chỉ là công nhận của hãng thuốc, điều này đã có trong nghiên cứu từ lâu. Ngay khi mắc Covid-19, chúng ta cũng có hiện tượng tăng đông và giảm tiểu cầu kéo dài trong 3 tháng.

“Sự thừa nhận của AstraZeneca cho thấy khi có gánh nặng bệnh tật quá lớn, chúng ta phải chấp nhận một số tình huống (tác dụng phụ). Sau khi nghiên cứu xong, họ sẽ thông báo trở lại, tùy mức độ bất lợi, người ta sẽ cân nhắc cần tiếp tục có sản xuất hay sẽ ngừng lại. Sau này, khi nghiên điều chế vaccine mới, họ sẽ lưu ý hơn đến nhóm Adenovirus”, bác sĩ Khanh nói.

Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM nhấn mạnh rằng người dân đã tiêm vaccine cách đây 2 năm không cần quan tâm về tác dụng phụ này nữa, bởi chúng chỉ xảy ra trong vòng 90 ngày sau tiêm.

Ông cũng cho hay một người bình thường vẫn có hiện tượng tăng đông, ví dụ khi bị nhiễm trùng, nhiễm siêu vi, cũng gây tiểu cầu thấp. Người dân không nên khi gặp trường hợp này lại “đổ thừa” cho việc từng tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca.

“Nếu quá lo sợ, bạn có thể đi tầm soát bệnh đột quỵ để theo dõi các chỉ số mỡ máu, huyết áp. Khi có hiện tượng tắc mạch, người dân phải khám chuyên sâu hơn”, bác sĩ Khanh chia sẻ.

Bộ Y tế đã xây dựng quy trình tiêm chủng chặt chẽ

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết khi triển khai tiêm vaccine Covid-19, Bộ Y tế đã rất thận trọng. Người tiêm phải đo huyết áp, khám sàng lọc trước khi tiêm, theo dõi sau tiêm tại điểm tiêm.

“Sau đó, Bộ Y tế cũng điều chỉnh dần khi theo dõi thấy vaccine không gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe. Từ lúc ban đầu chỉ tiêm tại cơ sở y tế, sau đó hoạt động tiêm vaccine phòng Covid-19 đã được triển khai rộng hơn”, PGS Lương Ngọc Khuê nói.

Lãnh đạo Cục Quản lý khám, chữa bệnh nhấn mạnh hầu hết người dân đã tiêm vaccine AstraZeneca Covid-19 đã được tổ chức vài năm, hiện cũng hết tác dụng. Do đó, người dân cũng không cần lo ngại bị tác dụng phụ dẫn đến đông máu.

Tại Việt Nam, trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, ngoài 30 triệu liều vaccine đã đặt mua của AstraZeneca, sau đó, Việt Nam cũng đã rải rác tiếp nhận vaccine AstraZeneca qua các chương trình tài trợ. Số vaccine này đã góp phần vào thành công trong chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 trong năm 2022.

Đến giữa năm 2023, nước ta đã tiêm hơn 266,5 triệu liều vaccine Covid-19. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ bao phủ vaccine Covid-19 cao nhất thế giới với tỷ lệ tiêm đủ mũi cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên đạt gần 100%. Tỷ lệ tiêm mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao đạt 89,6%.

Phương Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nhung-nguoi-da-tiem-vaccine-covid-19-cua-astrazeneca-nen-lam-gi-post1473618.html

XEM THÊM
error: