Không ‘đỏ mắt’ canh mua vé Tết, nhiều người tự chạy xe máy về quê

Trước Tết 3-4 tháng, nhiều người đã canh mua vé xe, tàu, máy bay. Trong khi đó, một số chọn tự chạy xe máy về quê để tiết kiệm chi phí đi lại và chủ động thời gian di chuyển.

Những ngày này, hội nhóm đồng hương Gia Lai mà Lê Thảo (30 tuổi) tham gia đang rục rịch tập hợp thành viên, chuẩn bị cùng nhau chạy xe máy về quê. Đây là cái Tết thứ 3 liên tiếp, Thảo về quê bằng xe máy.

Thảo sống tại TP.HCM từ năm 2012. Những năm trước đó, cô thường về quê bằng xe khách. Tết là thời điểm “cháy” vé nên việc canh mua cũng không dễ dàng.

Gia nhập hội chạy xe máy về quê mấy năm gần đây, cô thoải mái khi cứ đến hẹn lại cùng hàng trăm đồng hương rong ruổi trên cung đường 500 km về nhà.

“Quãng đường xa nên chạy xe máy tất nhiên có mệt. Tiết kiệm tiền là một chuyện, đi xe máy tôi còn có thể chủ động thời gian, cũng không phải mệt mỏi vì canh vé xe khách ngày Tết”, Thảo nói với Tri Thức – ZNews.

Phương tiện di chuyển về quê ăn Tết là mối quan tâm của những người đi học đi làm xa nhà. Với nhiều người, năm 2023 là một năm khó khăn về công việc, tài chính. Chính vì vậy, thay vì chọn các phương thức di chuyển đắt đỏ như máy bay, một số mua vé xe từ 3 tháng trước Tết hoặc tự chạy xe về quê với bạn bè hoặc người thân.

Tự chạy xe vì “ngại canh vé”

Thảo cho biết trước một tháng, những người có nhu cầu đi xe máy về quê cùng tham gia nhóm trên Facebook. Ở đây, mọi người sẽ xem những ngày nào có tổ chức về, sẽ chủ động chọn thời gian phù hợp nhất với mình.

Mỗi đoàn về có 150-200 người, tổ chức khá bài bản, trên tinh thần hỗ trợ lẫn nhau. Mỗi nhóm có nhiều dẫn đoàn – phụ trách dẫn đường, theo dõi bao quát và “chốt đoàn”.

“Trong đoàn chạy xe máy về quê có cả phụ nữ, có cả những gia đình mang theo con nhỏ nên cần được hỗ trợ sát sao. Quãng đường xa, nhiều người tay lái yếu nên không thể đi nhanh”.

Nhóm đồng hương Gia Lai của Thảo tổ chức cùng nhau chạy xe máy về quê mỗi dịp Tết.

Lê Thảo cho biết vào ngày thường, đi xe về quê mất khoảng 10 tiếng. Nhưng dịp Tết, lưu lượng xe đông nên phải mất 15-16 tiếng để về tới nhà. Trên đường, đoàn sẽ dừng lại đổ xăng, ăn uống nhiều lần. Suốt chuyến đi, trung bình mỗi xe đổ xăng 4 lần.

Cô kể khó khăn lớn nhất khi di chuyển bằng xe máy là những lần tổ chức đi đêm, dễ buồn ngủ và có thể gặp nguy hiểm do nhiều đoàn đi cùng đường. Thảo thường ghép xe, đi cùng bạn nam để có người lái “cứng”, đảm bảo an toàn.

Một vấn đề khác là đi xe máy sẽ không thể mang theo quá nhiều hành lý, vì gây bất tiện mỗi lần phải mở cốp bình xăng. “Lần nào có nhiều đồ, mình sẽ đem gửi xe khách trước rồi chạy xe máy không cho tiện”.

Thảo cho biết lý do chính chọn đi xe máy về quê thay vì xe khách là “ngại canh vé”. Nếu đi xe khách, cô phải chực chờ trước vài tháng, liên tục gọi điện cho nhà xe để xem họ mở bán vé Tết chưa. “Việc đó mất nhiều thời gian. Một khi mua vé rồi cũng khó thay đổi ngày giờ nếu lỡ có lịch trình cá nhân”.

Những chuyến hành trình về quê cùng đoàn đồng hương cũng giúp Thảo có thêm bạn bè. Trước ngày khởi hành, cả nhóm tụ tập làm quen với nhau, từ người xa lạ cũng có thể ghép cặp để đi chung xe. Về Tết, mọi người còn gọi nhau gặp mặt đầu xuân.

Đang làm việc tại Sơn Tây, Hà Nội, Tết năm nay là lần đầu tiên Trần Huỳnh chọn về Nghệ An bằng xe máy. Do lịch trình công việc, chưa nắm chắc ngày về Tết nên tự đi xe giúp anh chủ động hơn.

Trần Huỳnh thích chạy xe về quê vì chủ động thời gian, tránh cảnh nhồi nhét trên xe khách.

Nhồi nhét trên xe khách mỗi dịp lễ, Tết cũng là nỗi ám ảnh khiến anh quyết định chạy xe máy. Dịp này, giá vé về Nghệ An đắt gấp đôi ngày thường, chưa kể thêm phí để mang xe máy về bằng với vé một người.

Từ Hà Nội về nhà anh, quãng đường khoảng 300 km, đi xe máy hết 6 tiếng. “Tôi dự định về vào ngày 29 hoặc 30 Tết. Tôi chọn khởi hành vào sáng sớm, như vậy đến trưa sẽ về tới nhà. Đi cùng còn có một đồng nghiệp quê Thanh Hóa, sẽ đồng hành khoảng nửa chặng đường”.

Trần Huỳnh đã lên kế hoạch trước, chọn cung đường mòn Hồ Chí Minh để đi. Như vậy, anh có thể ngắm nhiều danh thắng dọc đường, như Rừng quốc gia Cúc Phương ở Ninh Bình.

Nỗi lo của người xa quê

Số liệu của Cục Hàng không ước tính dịp Tết Nguyên đán năm nay có 24.200 chuyến bay nội địa, tăng 2% so với Tết 2023.

Một tháng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, vé máy bay nhiều chặng từ TP.HCM đi các tỉnh, thành có tỷ lệ đặt chỗ cao trên 90%.

Giá vé từ ngày 8/2 đến 14/2 Dương lịch (nhằm ngày 29 tháng Chạp đến mùng 5 tháng Giêng) có thể cao gấp 3-5 lần ngày thường. Hạng vé thương gia tại các tuyến bay nội địa chính trong giai đoạn này hầu như đã bán hết.

So với năm trước, giá vé tàu trong Tết Nguyên đán 2024 chiều cao điểm tăng 3-10%, tùy cự ly, ghế ngồi, loại tàu. Với nhu cầu tăng vọt trong dịp Tết, nhiều tuyến xe khách từ TP.HCM đi các tỉnh miền Tây, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Dương, Bình Phước cũng tăng giá vé.

Võ Tú Duyên (28 tuổi, quê Bình Định) cho biết chặng bay TP.HCM – Quy Nhơn những ngày trước và sau Tết đều đã hết vé từ một tháng trước.

Tú Duyên phải canh mua vé xe về quê từ 4 tháng trước Tết.

Nếu có thể điều chỉnh thời gian di chuyển sớm hoặc muộn hơn 1-3 ngày cận Tết, mọi người cũng phải trả 6-9 triệu đồng cho một cặp vé khứ hồi. Vì giá vé máy bay quá cao, Duyên quyết định chọn phương án di chuyển bằng xe khách.

“Vé máy bay, tàu năm nay tôi thấy cao hơn hẳn mọi năm, trong khi vé xe không thay đổi nhiều. Tuy nhiên, để mua được vé của các hãng xe uy tín, tôi phải canh từ 3-4 tháng trước Tết”, Duyên cho hay.

Sau khi chốt lịch nghỉ Tết, về quê vào ngày 2/2, nhân viên văn phòng này đã mua vé xe từ đầu tháng 11. “Khi các hãng xe lớn mở bán vé Tết online, đó thực sự là một cuộc chiến mà chậm tay thì xác định khỏi về Tết”, Duyên chia sẻ.

Còn với Hà Trang (27 tuổi, quê An Giang), điều cô lo sợ nhất trong mỗi lần về quê dịp lễ Tết không phải việc khó mua vé hay tốn kém, mà là chuyện chen chúc trong bến và trên các chuyến xe. Trang cho biết năm ngoái cô phải chen ở bến xe gần cả tiếng, sau đó lên xe tiếp tục bị nhồi nhét dù đã mua vé giường nằm trước cả tháng.

“Tôi về ngày 28 Âm lịch và lên lại thành phố ngày mùng 5, trúng ngay đợt cao điểm. Nghĩ tới cảnh kẹt xe, đông đúc là thấy oải”, Trang chia sẻ.

Vài năm trước, Trang cũng từng thử chạy xe về quê cùng bạn. “Lúc đó tôi còn là sinh viên nên có nhiều thời gian. Tự chạy xe thì vui, được chủ động nhưng lại tốn công và cha mẹ tôi cũng lo không an toàn”.

Năm nay, Trang quyết định đổi sang đi hãng xe lớn, chọn loại xe Limousine 17 chỗ có giá hơn 250.000 đồng/vé thay vì xe giường nằm bình thường chỉ khoảng 190.000 đồng/vé.

“Tôi nghe bạn nói đi loại xe này thì tiện nghi, rộng rãi và cũng không bị nhồi nhét. Bỏ thêm khoảng 50.000-60.000 đồng mà có trải nghiệm tốt hơn thì tôi thấy cũng đáng”, Trang chia sẻ.

Lê Vy – Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://znews.vn/khong-do-mat-canh-mua-ve-tet-nhieu-nguoi-tu-chay-xe-may-ve-que-post1455387.html

XEM THÊM