Hy hữu mẹ chồng kiện nàng dâu chia nhà
Trước vụ việc hy hữu, chủ tọa phiên tòa khuyên cả hai bên suy nghĩ thấu đáo, không nên chỉ vì hơn thua một khoản tiền không quá lớn mà đánh mất tình cảm gia đình.
Mâu thuẫn mẹ chồng, nàng dâu
Sau nhiều lần trì hoãn, TAND Hà Nội mở lại phiên xử vụ việc dân sự phân chia thừa kế liên quan tài sản, gồm khu đất rộng 44m2 và ngôi nhà cao 4,5 tầng trên đất, thuộc địa bàn phường Láng Thượng, quận Đống Đa. Trong vụ kiện này, nguyên đơn là bà cụ 84 tuổi, còn bị đơn chính là cô con dâu của cụ.
TAND Hà Nội – nơi xử vụ việc dân sự phân chia thừa kế.
Phiên tòa được mở đầu tháng 6/2024, cụ Nhàn (tên đương sự đã thay đổi) do già yếu và đang điều trị bệnh nên đã ủy quyền cho bà Thanh (con gái thứ hai) đến tòa để tham gia tố tụng. Bị đơn là chị Hạ (48 tuổi), vợ người con trai út (đã mất) của cụ Nhàn.
Vụ kiện liên quan đến quyền thừa kế khối tài sản gồm mảnh đất 44m2 và căn nhà 4,5 tầng nêu trên. Theo hồ sơ, đây là tài sản chung của vợ chồng cụ Nhàn, đã được cấp sổ đỏ năm 2010. Đến năm 2012, căn nhà cấp 4 tại mảnh đất này được phá dỡ để xây dựng căn nhà mới.
Năm 2020, chồng cụ Nhàn qua đời mà không để lại di chúc. Một năm sau đó, người con trai út cũng qua đời. Sau thời gian đó, giữa cụ Nhàn và người con dâu nảy sinh nhiều mâu thuẫn, dù cùng chung sống trong căn nhà xảy ra tranh chấp.
Nhiều năm không tìm được tiếng nói chung, cụ Nhàn ủy quyền cho con gái đâm đơn, đề nghị tòa án phân chia tài sản chung của vợ chồng cụ, chia thừa kế đối với phần tài sản của người chồng đã qua đời và của con trai út.
Trong đơn, cụ bà mong muốn phân chia tài sản bằng tiền cho các đồng thừa kế. Mục đích để cụ được giữ lại ngôi nhà trên đất, sống nốt những ngày tháng còn lại.
Ai trả tiền mua đất, xây nhà?
Tại phiên tòa, người con dâu vắng mặt nên ủy quyền cho hai luật sư. Theo các luật sư của bị đơn, chị Hạ về làm dâu từ năm 2000 và có tên trong sổ hộ khẩu của gia đình.
Năm 2006, vợ chồng cụ Nhàn đã hứa sang tên nhà đất cho vợ chồng chị Hạ. Tuy nhiên, đến khi cấp sổ đỏ vào năm 2010 thì chị không biết điều này, cũng không rõ sổ đỏ đứng tên ai.
Đến năm 2012, sau khi phá dỡ nhà cấp 4 của vợ chồng cụ Nhàn để xây nhà mới, vợ chồng chị Hạ đã thanh toán tiền xây dựng nhà mới và mua sắm nội thất. Chứng cứ, giấy tờ thể hiện chị Hạ là người nộp tiền cũng được luật sư giao nộp cho tòa.
Tuy nhiên, phía nguyên đơn cho biết, năm 1998, chồng cụ Nhàn là giảng viên đại học nên được nhà trường phân cho mảnh đất 44m2 này. Sau đó, hai cụ bỏ tiền ra mua lại nhà đất rồi được cấp sổ đỏ.
Đến năm 2012, khi họ phá dỡ căn nhà cấp 4 để xây nhà mới, 3 người con đều góp thêm tiền, nhưng nguồn lực chính để xây dựng căn nhà 4,5 tầng như hiện tại là của vợ chồng cụ Nhàn.
Khẳng định vợ chồng cụ Nhàn mới là người chi tiền mua đất và xây nhà, bà Thanh còn dẫn chứng, chồng bà chính là người giám sát xây dựng căn nhà. Về việc luật sư của em dâu trình ra giấy nộp tiền, bà Thanh nói: “Khi đó, cha mẹ già yếu nên vợ chồng Hạ cầm tiền để thay mặt bố mẹ trả cho xây dựng”.
Dù vậy, khi chủ tọa yêu cầu trình tài liệu chứng minh vợ chồng cụ Nhàn đã bỏ ra các chi phí, bà Thanh nói “không biết, không trả lời” và cũng khẳng định chưa hề nghe việc bố mẹ hứa sang tên tài sản cho vợ chồng con trai út.
Tranh chấp kéo dài
Cũng tại phiên tòa, bà Thanh tố em dâu thường nảy sinh mâu thuẫn với mẹ chồng khi cụ Nhàn ở chung nhà. Có lần, chị Hạ còn xô xát với mẹ chồng, rồi khi bà cụ nhập viện, con gái cũng phải đến chăm nom mẹ và thanh toán viện phí. Bà Thanh và em gái còn bỏ tiền để thuê người giúp việc chăm sóc mẹ.
Trong khi đó, chị Hạ chia sẻ, từ căn nhà cấp 4 lụp xụp, chị cùng người chồng quá cố chi tiền, thậm chí vay mượn bạn bè để xây dựng thành căn nhà 4,5 tầng bề thế, khang trang dùng làm nơi chung sống của chị và mẹ chồng bấy lâu nay.
Theo chị Hạ, suốt 20 năm qua chị là người chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ chồng. Khi bố chồng rồi chồng qua đời, chị tự bỏ tiền túi để sửa sang nơi thờ cúng. Thậm chí, khi cụ Nhàn nằm viện, chị Hạ lo thuốc thang, viện phí và chăm sóc như mẹ đẻ. Do đó, việc cụ Nhàn khởi kiện con dâu ra tòa để tranh chấp nhà đất, khiến chị không khỏi đau lòng.
Qua vụ việc, chị Hạ đề nghị phía nguyên đơn trả 2 tỷ đồng để mẹ chồng được giữ lại căn nhà, đồng thời định giá các nội thất chị đã bỏ tiền ra để mua sắm để nguyên đơn chi trả trong trường hợp cụ Nhàn được giữ lại nhà đất.
Trái lại, cụ Nhàn và người ủy quyền chỉ đồng ý chi trả 1,8 tỷ đồng. Đây cũng là lý do khiến vụ tranh chấp tài sản này diễn ra hơn một năm nay mà chưa đi đến hồi kết.
Cuối phiên tòa, đại diện nguyên đơn và bị đơn đều đồng ý hòa giải, đồng thời xin tạm dừng phiên tòa để hai bên thống nhất phương án. Hội đồng xét xử chấp thuận và cho biết sẽ mở lại phiên xử khi các đương sự đạt được thỏa thuận.
Theo thẩm phán, bị đơn đưa ra con số yêu cầu là 2 tỷ đồng, còn bên nguyên đơn chấp thuận ở mức 1,8 tỷ đồng. Vị thẩm phán nhấn mạnh: “Như vậy là gần nhau lắm rồi, chỉ chênh nhau có 200 triệu đồng thôi, mỗi bên cố gắng một chút”.
“Rất lâu rồi mới có vụ việc như vậy. Tuy nhiên, tòa luôn tạo điều kiện để nguyên đơn và bị đơn tìm được tiếng nói chung. Cụ Nhàn cũng đã ung thư giai đoạn 4, các con hãy để mẹ yên ổn những ngày cuối đời”, chủ tọa phân tích và khuyến nghị.
Hoàng Lam
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/hy-huu-me-chong-kien-nang-dau-chia-nha-192240614143207119.htm