Huyện chi 14 tỷ đồng bạt núi chống sạt lở, bảo vệ 5 hộ dân ở Quảng Ngãi

Trước nhiều ý kiến hoài nghi, chủ đầu tư dự án chống sạt lở núi Van Cà Vãi (tỉnh Quảng Ngãi) cho biết đã tham vấn những đơn vị hàng đầu trong thiết kế nền, móng công trình trước khi thực hiện dự án.

Núi Van Cà Vãi nằm tại tổ dân phố Làng Dầu, thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Dưới chân núi có 5 hộ dân với 24 nhân khẩu, tuyến đường DH77 nối trung tâm huyện với xã Sơn Bao.

Năm 2021, núi Van Cà Vãi sạt lở làm hư hỏng nhà dân. Huyện Sơn Hà chi 3 tỷ đồng khắc phục sạt lở nhưng không hiệu quả. Sạt lở ngày càng diễn biến phức tạp. Đến 2024, huyện Sơn Hà quyết định đầu tư 14 tỷ đồng để bạt núi chống sạt lở. Dự án do Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Sơn Hà làm chủ đầu tư.

Dự án được thực hiện ngày 15/7, dự kiến hoàn thành vào ngày 31/10. Sau hơn 2 tháng thi công, dự án chống sạt lở núi Van Cà Vãi cơ bản hoàn tất công việc khó khăn nhất là bạt mái taluy tạo thành 9 cấp.

Dự án dần hình thành cũng là lúc xuất hiện ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng phương án bạt núi, phủ bê tông chống sạt lở sẽ không hiệu quả. Mặt khác, việc chi 14 tỷ đồng chống sạt lở núi, bảo vệ 5 ngôi nhà không hiệu quả bằng việc di dời dân vào khu tái định cư.

 

Dù núi Van Cà Vãi đã được chống sạt lở nhưng chị Đinh Thị Thẻo, 1 trong 5 hộ dân có nhà dưới chân núi, không yên tâm.

Chị Thẻo cho biết, nhà chị bị sạt lở làm hư hỏng phần bếp, các công trình phụ. Chị Thẻo mong muốn được di dời đến nơi an toàn. Tuy nhiên, khi chính quyền địa phương lấy ý kiến có 2/5 hộ dân không đồng ý di dời. Do đó phương án di dời dân không được thực hiện.

“Núi này đã được chống sạt lở nhưng vẫn lo. Khi mưa lớn nhà tôi vẫn phải di dời đến nơi ở tạm an toàn hơn”, chị Thẻo nói.

Ông Lê Hồng Anh, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Sơn Hà, nói rằng chính quyền địa phương đã tính đến nhiều phương án xử lý điểm sạt lở tại núi Van Cà Vãi.

Trong đó, phương án di dời dân, bố trí tái định cư cũng từng được tính toán. Tuy nhiên, một số người dân không muốn di dời vì nơi ở hiện tại gần với đất sản xuất.

Nếu sạt lở xảy ra không chỉ đe dọa tài sản, tính mạng của người dân mà còn gây chia cắt tuyến giao thông DH77. Do đó, chính quyền địa phương quyết định chi 14 tỷ đồng chống sạt lở núi Van Cà Vãi.

Về lo ngại của người dân khi bạt núi chống sạt lở, ông Anh cho rằng đây là phương án tối ưu. Chủ đầu tư đã mời các chuyên gia, đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực nền, móng công trình hỗ trợ khảo sát, lập phương án thiết kế.

Có 6 phương án được đưa ra. Sau đó phương án bóc nền đất yếu, giật cấp mái taluy, xây dựng hệ thống thu nước… đã được chọn.

Theo phương án thiết kế, đơn vị thi công đã bóc hơn 40.000m3 đất, đá bề mặt. Mái taluy được giật thành 9 cấp, trên mặt các cấp có hệ thống rãnh thu gom nước, chống nước thấm trực tiếp xuống bề mặt công trình. Nước sẽ được gom về 2 phía của mái taluy và dẫn xuống dưới theo các rãnh thu nước dọc.

“Núi Van Cà Vãi cao 54m, độ dốc lớn nên phần việc khó khăn nhất là bạt mái taluy tạo thành 9 cấp. Hạng mục này chỉ chiếm 30% khối lượng công việc nhưng phải tốn hơn 2 tháng để hoàn thành”, ông Anh nói.

Đơn vị thi công đang hoàn tất hạng mục cuối cùng là tường chắn rọ đá. Tường dài 106m, mặt rộng 8m, cao 8m trong đó phần chân móng 2m. Hạng mục này chiếm đến 70% tổng khối lượng dự án.

Theo chủ đầu tư, sạt lở luôn diễn biến phức tạp, khó lường, sạt lở vẫn có thể xảy ra tại Van Cà Vãi. Tuy nhiên, với sự tối ưu trong thiết kế, phương án đang được thực hiện sẽ giảm thiểu quy mô sạt lở đến mức thấp nhất, đảm bảo an toàn cho tài sản, tính mạng và tuyến đường giao thông dưới chân núi.

Quốc Triều

Nguồn Dân Trí: https://dantri.com.vn/xa-hoi/huyen-chi-14-ty-dong-bat-nui-chong-sat-lo-bao-ve-5-ho-dan-o-quang-ngai-20241001050105957.htm

XEM THÊM