Hòa thượng Thích Gia Quang: ‘Nên để yên cho ông Minh Tuệ thực hành tâm nguyện của mình’

“Tôi nghĩ là ông Minh Tuệ cũng chỉ bộ hành được một thời gian thôi, không đi được mãi đâu, vì sức khỏe đâu mà bộ hành mãi thế được nên chúng ta nên để yên cho ông ấy thực hành tâm nguyện của mình”, Hòa thượng Thích Gia Quang chia sẻ với Dân Việt.

Những ngày qua, câu chuyện liên quan đến ông Minh Tuệ – người được nhiều người gọi là “sư Minh Tuệ” đang nhận được nhiều sự chú ý của dư luận. Ông Minh Tuệ tên thật là Lê Anh Tú (43 tuổi) quê gốc ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Ông Minh Tuệ chưa bao giờ nhận mình là tu sĩ, cũng chưa bao giờ làm nghi thức xuất gia, thụ giới theo tôn quy nhà Phật ở bất kỳ ngôi chùa nào.

Ông giải thích cho hành trình “khất thực” từ Bắc tới Nam, từ Nam tới Bắc của mình là nghe lời giảng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nên tập tu hạnh đầu đà. Theo đó, tu hạnh đầu đà là thực hành lối tu khổ hạnh, chấp nhận sự thiếu thốn và khó khăn trong đời sống vật chất. Cụ thể là mặc áo vá, một ngày chỉ ăn một bữa, ngủ ngồi ngày vài tiếng, không nhận tiền cúng dường mà chỉ nhận đồ ăn đủ ăn, khước từ mọi tiện nghi…

Hòa thượng Thích Gia Quang. Ảnh: Phatgiao.org.vn

Trao đổi với Dân Việt, Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Thông tin – Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, những ngày qua, sự việc ồn ào liên quan đến ông Minh Tuệ khiến các thầy trong Giáo hội có khá nhiều trăn trở. Đặc biệt, có nhiều người đã lợi dụng chuyện này để có những so sánh, kích động… gây ảnh hưởng đến tâm lý của nhiều tăng sĩ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

“Nói thật là bây giờ tôi cũng không biết phải nói gì, vì nói gì bây giờ cũng dễ bị hiểu lầm, gây nên nhiều ý kiến trái chiều, khiến sự việc trở nên ồn ào hơn. Bản thân tôi thấy ông Minh Tuệ chưa bao giờ nhận mình là tu sĩ. Ông ấy tự tu theo cách của mình và đó là quyền của cá nhân ông, không ai cấm đoán ông làm điều ấy cả.

Nhà nước Việt Nam tôn trọng tự do và tín ngưỡng của mỗi người. Phật giáo Việt Nam cũng tôn trọng lối tu của mỗi người. Miễn là lối tu đó không ảnh hưởng gì đến xã hội, không gây ảnh hưởng đến Phật giáo, không vi phạm pháp luật… Tôi nghĩ là ông Minh Tuệ cũng chỉ bộ hành được một thời gian thôi, vì sức khỏe đâu mà bộ hành mãi thế được nên chúng ta nên để yên cho ông ấy thực hành tâm nguyện của mình, không nên gây ồn ào làm gì mà ảnh hưởng đến nhiều người”, Hòa thượng Thích Gia Quang bày tỏ.

Hình ảnh ông Minh Tuệ trong hành trình bộ hành từ Bắc vào Nam mới đây. Ảnh: MXH

Theo Hòa thượng Thích Gia Quang, trong lịch sử Phật giáo, có pháp tu hạnh đầu đà. Pháp tu hạnh đầu đà từng tồn tại trong lịch sử và gắn liền với hình ảnh của Phật Thích Ca Mâu Ni ở giai đoạn đầu. Giai đoạn đầu, Phật cũng tu hạnh đầu đà nhưng rồi Ngài nhận thấy việc ép xác khổ hạnh đó không đem đến giải thoát và giác ngộ, không đạt được chân lí tối hậu của Ngài nên Ngài từ bỏ hạnh ấy để chọn lối tu trung đạo.

“Bây giờ ai chọn lối tu nào là quyền của họ. Không ai ép buộc hoặc cản trở họ được. Nhưng lối tu nào thì cũng cần phải hướng tới mục đích tốt đẹp và cần phải giữ được sức khỏe mới có thể tu lâu dài được”, Hòa thượng Thích Gia Quang nói thêm.

Trước câu hỏi, nếu ông Minh Tuệ muốn xin gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì Giáo hội có sẵn sàng “kết nạp” ông, Hòa thượng Thích Gia Quang cho rằng: “Quyền xin đi xuất gia là quyền của mỗi con người. Giáo hội rất tôn trọng ý nguyện đó nhưng cũng phải chiếu theo nội chế tăng sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nội chế có quy định tuổi nào thì được xuất gia và thụ giới. Ví dụ, bây giờ một người 60 tuổi mà xin xuất gia thì sẽ khuyên họ nên làm cư sĩ tại gia để tu tập tại tâm thôi. Còn ông Minh Tuệ không biết bao nhiêu tuổi nhưng nếu xin thụ giới thì cũng chỉ ở mức độ nào đó thôi”.

Không cần thiết có văn bản khẳng định ông Minh Tuệ không phải là tu sĩ

Liên quan đến văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành hôm 16/5 khẳng định người đàn ông được gọi là “sư Minh Tuệ” không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang gây tranh cãi trái chiều trong dư luận, Hòa thượng Thích Gia Quang cho biết, ông đồng tình với quan điểm “ông Minh Tuệ không nhận mình là tu sĩ nên không cần thiết phải có văn bản này”.

Tuy nhiên, mục đích của văn bản này là để thông báo cho các Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố… để tránh bị các YouTuber, Tiktoker… lợi dụng nên với cương vị và trách nhiệm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là phải có động thái, chứ không phải nhắm vào ông Minh Tuệ nên dư luận cũng không nên quá căng thẳng.

Ông Minh Tuệ thường chọn các khu đất trống trong nghĩa trang để dừng chân trong hành trình bộ hành. Ảnh: MXH

Trong một vài clip được đăng tải trên mạng xã hội mới đây, ông Minh Tuệ chia sẻ rằng, ông chưa bao giờ nhận mình là tu sĩ bởi cảm thấy đạo đức của bản thân chưa đạt đến cảnh giới đó. Ông cũng nói thêm rằng, ông muốn bộ hành trọn đời. Mục đích không nhằm truyền tải gì bởi mọi điều trong Phật pháp đã có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy rồi. Ông chỉ muốn thực hành những lời của đức Phật, nhằm hoàn thiện bản thân.

“Lúc đi bộ, con luôn ước nguyện cho mọi người lúc nào cũng được hạnh phúc, sống vui vẻ với gia đình”, ông Minh Tuệ nói.

Trong nhiều clip khác, ông Minh Tuệ cũng nói rằng, mọi người đi theo ông thì ông không cản bởi đó là mong muốn của mọi người. Ông cũng không hề thu nhận đệ tử hay nhận tiền cúng dường từ tín thí thập phương. Ông chỉ khuyên mọi người sau khi đã gặp ông rồi nên trở lại với công việc, tránh tụ tập đông người, gây ách tắc giao thông và an ninh trật tự xã hội.

Nguồn Dân Việt: https://danviet.vn/pho-chu-tich-hoi-dong-tri-su-ghpgvn-nen-de-yen-cho-ong-minh-tue-thuc-hanh-tam-nguyen-cua-minh-20240518094949524.htm

XEM THÊM