Giá cau tăng kỷ lục, người dân Quảng Ngãi dựng lều tại vườn ngăn trộm

Giá cau ở Quảng Ngãi tăng kỷ lục 50.000 đồng/kg, gấp 5 lần cùng kỳ năm ngoái, mang lại thu nhập cao cho người trồng cau. Tuy nhiên, điều này cũng khiến họ lo lắng vì nạn trộm cau.

Nhiều người dân huyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi dựng liều, phân công các thành viên của gia đình ngày đêm canh giữ các rẫy cau. Ảnh: Viên Nguyễn

Quảng Ngãi là một trong những địa phương có diện tích trồng cau lớn nhất cả nước, tập trung nhiều nhất ở huyện Sơn Tây với diện tích khoảng 1.000 hecta.

Huyện Sơn Tây được gọi là “xứ ngàn cau” với khoảng 1.000ha cau, khoảng một nửa diện tích cau đang cho trái. Ảnh: Viên Nguyễn

Cau chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc, và năm nay thị trường này tiêu thụ mạnh nên giá cau tăng đột biến, giúp nhiều chủ vườn cau khấm khá. Nhưng mặt khác, giá cau tăng cao cũng khiến nhiều chủ vườn cau cau lo lắng nạn trộm cau sẽ hoành hành, bởi các vườn cau nằm khá xa các khu dân cư nên rất dễ bị trộm.

Những cây cau trĩu quả được người dân huyện miền núi Sơn Tây trang bị thêm “áo giáp” bằng những thân lồ ô sắc nhọn nhằm ngăn trộm cau. Ảnh: Viên Nguyễn

Để chống trộm, người dân huyện miền núi Sơn Tây dùng cây lồ ô vót nhọn cột chi chít vào thân cau để ngăn trộm, đồng thời cũng túc trực ngày đêm ở vườn.

Các chủ vườn cho biết cau sau khoảng 5-6 năm trồng bắt đầu cho quả. Nếu được chăm sóc tốt, mỗi cây cau có thể ra quả đạt trọng lượng từ 5-6kg, thậm chí có những cây trĩu quả đạt tới khoảng 10kg.

Người dân huyện miền núi Sơn Tây dùng cây lồ ô quấn xung quanh thân cây cau để chống trộm. Ảnh: Viên Nguyễn

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Hồng Khuyến, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Tây, chia sẻ, bà con rất phấn khởi vì giá cau tăng cao đột biến, giúp nhiều hộ dân có nguồn thu nhập khá. Để ngăn nạn trộm, các chủ vườn đã bắt đầu dựng lều ở vườn để canh giữ. “Nếu tình trạng trộm cau diễn ra phức tạp, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát để hỗ trợ người dân” – ông Khuyến nói.

Cây lồ ô được chẻ đôi rất sắc bén, đầu vót nhọn hướng xuống phía dưới, ngăn trộm leo lên ngọn để bẻ trộm cau. Ảnh: Viên Nguyễn

Cũng theo ông Khuyến, giá cau tăng đột biến nên nhiều vườn cau non đã được thương lái đặt mua trước. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng giá cau phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc nên khá bấp bênh; người dân vui mừng nhưng cũng lo lắng về sự biến động này.

Cau tươi sau khi thu mua, được thương lái sấy khô xuất sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: Viên Nguyễn

Trong nhiều năm qua, cây cau đã giúp nhiều hộ dân miền núi giảm bớt khó khăn. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ người dân về kỹ thuật và cây giống để trồng mới 297 hecta cau. “Phần diện tích này đang phát triển rất tốt, bà con rất phấn khởi. Nhiều năm qua, giá cau tuy có biến động nhưng cây cau thực sự mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân. Giá cau trong năm chỉ cần đạt mức trung bình 10.000 đồng/kg là người dân đã có thu nhập cao hơn so với trồng một số loại cây khác,” ông Khuyến cho biết.

Thông thường 7-8 kg cau tươi sau khi sấy sẽ cho một kg cau khô, được thương lái xuất sang Trung Quốc để làm kẹo. Ảnh: Viên Nguyễn

Không chỉ giúp người dân có thu nhập ổn định, cây cau còn gắn liền với đời sống văn hóa của người dân. Các lễ hội truyền thống, các nghi thức cúng tế đều không thể thiếu cau, khiến cây cau trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.

VIÊN NGUYỄN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/gia-cau-tang-ky-luc-nguoi-dan-quang-ngai-dung-leu-tai-vuon-ngan-trom-1362053.ldo

XEM THÊM