Đề xuất người đóng BHXH trên 20 năm được nghỉ hưu sớm 5 năm
Người lao động (NLĐ) có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) trên 20 năm được nghỉ hưu sớm tối đa 5 năm, là đề xuất của đại biểu Quốc hội gửi tới Ban soạn thảo dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).
Người lao động muốn nghỉ hưu sớm
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có nhiều chính sách mới, phức tạp liên quan đến nhiều vấn đề được NLĐ và người sử dụng lao động cũng như dư luận xã hội quan tâm.
Tham gia ý kiến về tiền lương hưu, đại biểu Nguyễn Duy Thanh – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho biết: qua thực tế tìm hiểu NLĐ, người sử dụng và ý kiến của nhiều hiệp hội ngành nghề trong quá trình lấy ý kiến đóng góp dự án Luật BHXH (sửa đổi) đã đề nghị nghiên cứu kế thừa Luật BHXH năm 2006. Đó là, NLĐ có thời gian đóng BHXH trên 20 năm được nghỉ hưu sớm và mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi bị trừ 1%.
NLĐ trung tuổi đang được cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tư vấn, giới thiệu các vị trí việc làm phù hợp. Ảnh: Thủy Trúc.
Từ thực tế trên, đại biểu Nguyễn Duy Thanh đề nghị Ban soạn thảo dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này cần bổ sung quy định cho phép NLĐ có thời gian đóng BHXH trên 20 năm được nghỉ hưu sớm tối đa 5 năm so với tuổi nghỉ hưu.
Khi biết đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Thanh đề xuất NLĐ có thời gian đóng BHXH trên 20 năm được nghỉ hưu sớm 5 năm, nhiều người rất đồng tình ủng hộ. Chị Ph.T.H. (48 tuổi, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi làm tạp vụ ở trường mầm non, đã tham gia BHXH 27 năm. Do hoạt động của nhà trường gặp khó khăn nên tôi đã bị chấm dứt hợp đồng lao động. Tôi rất muốn tìm công việc khác để tiếp tục được hỗ trợ đóng BHXH nhưng rất khó do nhiều tuổi, sức khỏe giảm sút. Vì thế, tôi rất muốn được nghỉ hưu sớm, không bị trừ 2% cho mỗi năm nghỉ sớm, để có lương hưu lo cho cuộc sống gia đình.
Đại biểu Quốc hội đề xuất Ban soạn thảo dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cho NLĐ đóng BHXH trên 20 năm được nghỉ hưu sớm 5 năm. Ảnh: Thủy Trúc.
Với đề xuất của đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Thanh, Phó Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phạm Thị Thu Lan cho rằng: “Về phía công đoàn, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ quyền lợi của NLĐ. Khi NLĐ gần đến tuổi nghỉ hưu mà không tìm được việc làm thì cuộc sống sẽ rất khó khăn. Đề xuất của đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Thanh rất chính đáng nhưng còn phải tính toán khả năng chi trả của Quỹ BHXH. Nhưng nếu có chính sách khác hỗ trợ để NLĐ tiếp tục đi làm công việc phù hợp, đóng BHXH sau này được hưởng mức lương hưu cao hơn so với nghỉ hưu sớm 5 năm thì sẽ tốt hơn.
Cần có các chính sách mới hỗ trợ người lao động
Việc sửa đổi bổ sung Luật BHXH, trong đó quy định chế độ hưu trí hiện nay phải đặt trong bối cảnh Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh, số NLĐ lớn tuổi đang tăng nhanh và đối mặt với vấn đề giải quyết việc làm. Từ thực tế này, TS Phạm Đình Thành – nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học BHXH, BHXH Việt Nam cho rằng: NLĐ làm việc trong điều kiện lao động bình thường, nếu chưa đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định thì không nên nghỉ hưu sớm khi đã đóng 20 năm BHXH, trừ trường hợp có vấn đề về sức khỏe, mất khả năng lao động. Chế độ hưu trí thông thường được thực hiện cho NLĐ khi phải đạt 2 điều kiện: đủ tuổi nghỉ hưu, đủ số năm đóng BHXH. Nếu NLĐ nghỉ hưu trước tuổi theo quy định thì phải trừ mức hưởng: ở Việt Nam là 2% cho mỗi năm, trong khi tại Pháp 5%, Đức 3,6%.
NLĐ được tư vấn, giới thiệu về các chế độ khi tham gia BHXH. Ảnh: Trần Oanh.
Nhiều năm nghiên cứu về BHXH, TS Phạm Đình Thành tính toán: người lao động nghỉ hưu trước tuổi bao nhiêu năm thì Quỹ BHXH phải chi bù cho từng đó năm nghỉ hưu sớm. Không những vậy, quỹ hưu trí còn phải đóng BHYT cho người nghỉ hưu. Vì vậy, cần hạn chế người lao động nghỉ hưu trước tuổi, giảm áp lực cho việc cân đối quỹ. Đồng thời, việc giảm trừ mức hưởng cho thời gian nghỉ hưu trước tuổi là cần thiết nhằm đảm bảo công bằng cho những người nghỉ hưu đúng tuổi.
“Đề xuất bổ sung quy định cho phép NLĐ được nghỉ hưu sớm tối đa 5 năm so với tuổi nghỉ hưu, theo lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu là không phù hợp với xu thế chung của quá trình điều chỉnh Luật BHXH ở Việt Nam” – TS Phạm Đình Thành nêu ý kiến.
Một điều đáng nói, hiện nay tuổi thọ bình quân đã tăng lên đáng kể do chất lượng cuộc sống không ngừng được cải thiện. Khi đó, thời gian hưởng lương hưu của từng người sẽ tăng lên. Để giải quyết vấn đề này, một giải pháp quan trọng đã được Nhà nước triển khai là tăng tuổi nghỉ hưu: từ 60 lên 62 tuổi đối với nam, mỗi năm tăng 3 tháng; từ 55 lên 60 tuổi đối với nữ, mỗi năm tăng 3 tháng; với lộ trình thực hiện từ năm 2021.
Hiện nay Nhà nước đã triển khai một số giải pháp hỗ trợ việc làm, chính sách thị trường lao động nhằm hỗ trợ DN và NLĐ, để tạo việc làm mới hoặc ổn định chỗ làm việc. Cùng với chính sách này, chuyên gia BHXH cho rằng, Nhà nước cần có thêm các chính sách mới để giải quyết việc làm cho NLĐ như: hỗ trợ từng phần cho DN từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp để giữ chân NLĐ lớn tuổi ở lại làm việc. Hoặc Nhà nước có chế độ hỗ trợ từng phần do suy giảm khả năng lao động để NLĐ tiếp tục làm việc cho đến đủ tuổi nghỉ hưu. Đây là những chính sách được nhiều nước thực hiện mang lại hiệu quả, Việt Nam có thể vận dụng để hỗ trợ NLĐ lớn tuổi duy trì việc làm, thu nhập.
Luật BHXH năm 2014 đã điều chỉnh thời gian đóng BHXH để tính lương hưu. Theo đó, từ năm 2018, lao động nữ đã đóng BHXH đủ 15 năm và từ năm 2022 lao động nam đã đóng BHXH đủ 20 năm đều được tính mức hưởng lương hưu là 45%. Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, người lao động nam và nữ được tính thêm bằng nhau là 2%; mức tối đa bằng 75%. Như vậy, lao động nam phải đóng BHXH đủ 35 năm và lao động nữ phải đóng BHXH đủ 30 năm mới được hưởng đủ 75%.
https://kinhtedothi.vn/de-xuat-nguoi-dong-bhxh-tren-20-nam-duoc-nghi-huu-som-5-nam.html