Chồng lấn địa giới với Kon Tum và Quảng Ngãi, Quảng Nam kiến nghị Bộ Nội vụ

Hiện nay, tuyến địa giới hành chính giữa tỉnh Quảng Nam với tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi còn vướng mắc, chưa thống nhất để ký pháp lý. Tỉnh Quảng Nam kiến nghị Bộ Nội vụ tháo gỡ.

Ngày 24/5, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh – đã ký văn bản kiến nghị Bộ Nội vụ tháo gỡ vướng mắc về địa giới hành chính với tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi.

Người Quảng Nam sinh sống, sản xuất trên đất Kon Tum

Hiện nay, giữa tỉnh Quảng Nam và tỉnh Kon Tum tồn tại vướng mắc về địa giới hành chính (ĐGHC) giữa xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My và xã Đắk Nên, huyện Kon Plông, Kon Tum.

Khu vực chồng lấn giữa xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam và xã Đắk Nên, huyện Kon Plông, Kon Tum (Ảnh: Bình An).

Xã Trà Vinh có 472 hộ, gần 2.000 nhân khẩu sinh sống ổn định từ bao đời nay trên địa bàn của 3 thôn. Sau khi xác lập hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính, có vướng mắc về ĐGHC, đường ĐGHC không trùng khớp với thực tế quản lý, canh tác, sinh sống tại địa phương.

Trong đó toàn bộ thôn 3 với 238 hộ, hơn 1.000 khẩu (100% là đồng bào dân tộc thiểu số) gồm 7 làng đang sinh sống và canh tác trên địa phận của xã Đăk Nên, huyện Kon Plong, Kon Tum.

Khu dân cư cách xa nhất từ đường ĐGHC khoảng 8km và gần nhất từ đường ĐGHC 4km.

Tổng diện tích khu vực chồng lấn gần 6.200ha đất tự nhiên, với chiều dài toàn tuyến vướng mắc trên 10km; diện tích thực tế khu vực có dân cư xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My sinh sống được khoanh vẽ hơn 3.000ha.

Năm 2008-2021, các ngành, địa phương của tỉnh Quảng Nam đã nhiều lần tổ chức làm việc với các ngành, địa phương liên quan của tỉnh Kon Tum nhưng chưa thống nhất phương án giải quyết.

Tháng 11/2021, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức làm việc với UBND tỉnh Kon Tum để giải quyết các vướng mắc về địa giới hành chính giữa 2 tỉnh.

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị điều chỉnh địa giới hành chính theo thực tế sinh sống, canh tác của nhân dân; UBND tỉnh Kon Tum đề nghị giữ nguyên đường ĐGHC theo hồ sơ bản đồ 364 (được lập trên cơ sở Chỉ thị 364-CT ngày 6/11/1991 của Hội đồng Bộ trưởng về việc giải quyết những tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã) đã được xác lập.

Vì chưa thống nhất được quan điểm xử lý, lãnh đạo 2 tỉnh thống nhất đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ chủ trì giải quyết.

Tháng 8/2022, Thường trực Tỉnh ủy 2 tỉnh đã tổ chức làm việc, thống nhất thành lập Tổ công tác liên ngành của 2 tỉnh để lấy ý kiến thăm dò nhân dân và khảo sát thực tế tại khu vực chồng lấn.

Huyện Nam Trà My tổ chức lấy ý kiến của người dân đang sinh sống trong khu vực chồng lấn, xã Trà Vinh (Ảnh: Bình An).

Tỉnh Quảng Nam và tỉnh Kon Tum đã thành lập tổ khảo sát liên ngành để khảo sát thực địa, lấy ý kiến nhân dân tại khu vực tranh chấp.

Kết quả, trên 99% hộ dân xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My đề nghị điều chỉnh địa giới hành chính phần diện tích thôn 3, xã Trà Vinh (phần nằm trên địa phận xã Đăk Nên, huyện Kon Plong, Kon Tum) về xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam.

Hộ khẩu Quảng Nam nhưng định cư trên đất Quảng Ngãi

Về địa giới hành chính giữa tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, hiện nay 2 tỉnh đang tồn tại vướng mắc về địa giới hành chính giữa xã Trà Giáp (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) và xã Trà Thanh (huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi).

Tổng diện tích tự nhiên tại khu vực vướng mắc hơn 789ha. Tại khu vực này có 97 hộ dân (100% là người dân tộc Kor) của thôn 1, xã Trà Giáp đang sinh sống, canh tác, chôn cất mồ mả ổn định từ bao đời nay nhưng hồ sơ địa giới hành chính theo bản đồ 364 thuộc địa phận của xã Trà Thanh.

Người dân sinh sống trong khu vực chồng lấn giữa Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum rất khó khăn để thực hiện các thủ tục hành chính, làm giấy tờ đất đai… đời sống còn rất nhiều khó khăn (Ảnh: Bình An).

Trong những năm qua, khu vực này đã được tỉnh Quảng Nam đầu tư điện lưới quốc gia, 1 trường tiểu học, 1 trường mẫu giáo được xây dựng kiên cố, 1 nhà sinh hoạt cộng đồng, 2 công trình nước tự chảy…

Theo nguyện vọng của nhân dân thôn 1, xã Trà Giáp mong muốn được điều chỉnh địa giới hành chính về xã Trà Giáp cho phù hợp với thực tế và thuận lợi cho công tác quản lý, sử dụng hiện nay.

Vấn đề về địa giới hành chính của 2 địa phương đã nhiều lần được nêu ra, bàn bạc tại các phiên làm việc thường niên của 2 tỉnh, 2 huyện và các ngành, địa phương liên quan của tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, song đến nay vẫn chưa thống nhất được phương án giải quyết.

Tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo UBND huyện Bắc Trà My tổ chức vận động, lấy ý kiến nhân dân khu vực chịu ảnh hưởng, nhưng người dân ở khu vực này kiên quyết không đồng ý chuyển hộ khẩu về xã Trà Thanh và đề nghị điều chỉnh địa giới hành chính về xã Trà Giáp.

Tháng 11/2021, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức làm việc với tỉnh Quảng Ngãi. Theo đó, 2 tỉnh thống nhất giao huyện Bắc Trà My và huyện Trà Bồng phối hợp tổ chức lấy ý kiến nhân dân tại khu vực xảy ra vướng mắc.

Trên cơ sở ý kiến của nhân dân, tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Ngãi báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy 2 tỉnh để xem xét thống nhất phương án giải quyết.

Từ thực tế quản lý, sinh sống từ xa xưa đến nay và nguyện vọng của nhân dân khu vực có vướng mắc về địa giới hành chính với Kon Tum, tỉnh Quảng Nam kiến nghị điều chỉnh phần diện tích thực tế khu vực có dân cư xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My sinh sống với diện tích hơn 3.000ha thuộc địa phận của xã Đắk Nên, huyện Kon Plong, Kon Tum về xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam.

Với vướng mắc tuyến địa giới hành chính tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Nam đề nghị điều chỉnh địa giới hành chính phần diện tích tự nhiên khu vực 97 hộ dân của thôn 1, xã Trà Giáp đang sinh sống trên địa phận xã Trà Thanh, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi về xã Trà Giáp, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam quản lý.

Công Bình

Nguồn Dân Trí: https://dantri.com.vn/xa-hoi/chong-lan-dia-gioi-voi-kon-tum-va-quang-ngai-quang-nam-kien-nghi-bo-noi-vu-20240524124930322.htm

XEM THÊM