‘Cắn răng’ đi xe máy trăm km để về quê ăn Tết

‘Vé xe Tết đắt hơn ngày thường 3-4 lần, vé máy bay cũng vậy, lại khó mua, tôi chẳng còn cách nào khác ngoài việc đi xe máy về quê’.

Trên các nền tảng mạng xã hội có hơn 20 nhóm rủ nhau về quê bằng xe máy, dao động từ 3.000 đến 22.000 thành viên. Họ là đồng hương các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ, khởi hành từ TP HCM về quê. Mỗi đoàn thường có 40-120 xe máy, tùy vào thời điểm. Số lượng tăng mạnh nhất vào hai ngày 27 và 28 tháng Chạp.

Nói về việc lập nhóm đi xe máy về quê ăn Tết, độc giả Đoàn Tiến thắc mắc: “Đi xe máy vài trăm km là không kinh tế. Chi phí 1,3 triệu đồng cho quãng đường 400 km vào dịp cuối năm bận rộn đông đúc thì đi xe khách sẽ là lựa chọn rẻ hơn rất nhiều, lại an toàn, đỡ hại sức khỏe hơn. Trong khi đó, đi xe máy vừa tốn thời gian, mất sức khỏe. Đi bằng phương tiện khác vừa có điều kiện gặp gia đình, có thời gian làm việc nhà nhiều hơn. Những cái hơn đó cộng lại khiến đi xe máy về quê không phải lựa chọn tốt”.

Đồng quan điểm, bạn đọc GH cho rằng: “400 km mà đi xe máy cũng hết 10 lít xăng, tương đương 240.000 đồng, chưa kể phải thay dầu 100.000 đồng, phí hao mòn xe cộ, phí ăn nghỉ dọc đường nữa… nên tính ra cũng đâu có tiết kiệm bao nhiêu so với đi xe khách giá vé chỉ 500.000 đồng vừa an toàn và ít tốn thời gian hơn nhiều”.

“Tết được về nhà nhưng cứ phải an toàn. Đi xe máy thành đoàn rất mất an toàn, chỉ cần ngã xe, dù không ảnh hưởng tính mạng nhưng không đi lại nổi thì coi như cái Tết mất vui. Mà tham gia giao thông bằng xe máy tập thể như vậy cũng dễ gây tắc đường, nếu không giữ khoảng cách an toàn thì xe trước ngã là xe sau dễ đổ theo hàng loạt. Tôi sẽ không bao giờ chọn giải pháp đi xe máy như vậy”, độc giả Đức Dũng nói thêm.

Trả lời cho những thắc mắc trên, bạn đọc Nguyen Tuan chia sẻ: “Vé xe Tết về quê tôi đắt hơn ngày thường 3-4 lần, vé máy bay cũng vậy. Thế nên, tôi chẳng còn cách nào khác ngoài việc đi xe máy về quê. Thú thực, khoảng cách 700 km là một thử thách nếu muốn đi xe máy. Tôi từng nhiều lần đi xe máy với cự ly khoảng hơn 200 km mỗi chiều, dù vẫn lái tốt nhưng về đến nơi thì người mỏi rã rời. Giờ mà đi về quê bằng xe máy một mình thì mệt và buồn, còn theo đoàn thì phải tuân thủ lịch trình của tập thể. Có khi mới đi được nửa đường đã muốn bỏ cuộc vì mệt và nắng”.

Cùng chung suy nghĩ khi lựa chọn đi xe máy về quê ăn Tết, độc giả Tuyetgiangdhl bình luận: “Tuổi trẻ của tôi cũng không dưới 20 lần chạy xe máy từ ĐắkLắk đến Sài Gòn và ngược lại. Lý do cũng vì quá vất vả trong việc mua vé để đi bằng xe khách, chi phí vé máy bay lại quá cao so với thu nhập. Nhưng từ khi 35 tuổi, lưng của tôi không còn chịu đựng nổi những chuyến hành trình dài như vậy. Thế nên, trước khi quyết định về bằng xe máy, tôi mong các bạn hãy chú ý sức khỏe của mình.

Cá nhân tôi vẫn thích về bằng xe máy vì vừa chủ động, vừa ngắm cảnh, mát mẻ, nhưng cũng rất nguy hiểm nếu lỡ ngủ quên. Hiện nay, tôi thấy các bạn đi xe máy chạy ban đêm khá nhiều, việc này hoàn toàn không nên khuyến khích vì vừa lạnh, vừa tối, rất không an toàn”.

Nhấn mạnh ưu tiên đảm bảo an toàn khi đi xe máy về quê, bạn đọc Út Đạt đưa ra lời khuyên: “Từng một mình đi xe máy về quê ăn Tết từ Sài Gòn đến Quảng Ngãi và ngược lại, tôi thấy nói chung cũng có mệt nhưng thoải mái, đi trên đường có nhiều đồng hương nên cảm nhận không khí khá vui. Trong khi đó, xe khách cuối năm đa số đều nhồi nhét rất ngột ngạt, kiếm vé giường nằm cũng rất khó vì cung không đủ cầu và giá vé cao.

Thế nên, cực chẳng đã người ta mới chọn đi xe máy thôi. Mà giờ đường sá rộng rãi, xe khách có cao tốc riêng, nên cũng đỡ xung đột. Đi xe máy quan trọng là bạn phải tỉnh táo, nên gắn đủ hai gương chiếu hậu để chủ động quan sát phía sau, khoảng 2-3 tiếng thì dừng nghỉ mệt một chút, nếu đi người thì nên đổi tay lái thay phiên nhau để đảm bảo sức khỏe”.

Lê Phạm tổng hợp

https://vnexpress.net/can-rang-di-xe-may-tram-km-de-ve-que-an-tet-4706060.html

XEM THÊM