Bộ Công an chỉ cách nhận diện các đối tượng giả danh công an
Một số đối tượng thực hiện hành vi giả danh công an nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân. Do đó, người dân phải nắm bắt thông tin để biết cách phòng tránh.
Hiện nay, có tình trạng mua bán trái phép, sử dụng trang phục, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh CAND và giả danh công an để phạm tội. Nhiều đối tượng còn lợi dụng việc này để giả danh công an nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.
Xin hỏi, hành vi mua bán trái phép và sử dụng trang phục công an để phạm tội sẽ bị xử lý như thế nào? Làm thế nào để nhận diện các đối tượng giả danh công an?
Bạn đọc Nguyễn Oanh
Trước đó, NVT (ngụ TP Cần Thơ) đã bị bắt giữ vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. T đã lên mạng mua trang phục CAND và thẻ Ngành Công an giả… rồi chụp hình rồi đăng lên tài khoản Tiktok để thực hiện chiêu trò lừa đảo của mình. Ảnh: BCA
Bộ Công an trả lời: Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của lực lượng CAND chỉ dành riêng cho sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ và học viên CAND sử dụng theo quy định; được Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết việc sử dụng và lộ trình sản xuất, cấp phát.
Người được cấp phát có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn cẩn thận và khi sử dụng phải đúng mục đích, đúng quy định; khi chuyển ngành, thôi việc hoặc bị kỷ luật buộc thôi việc thì Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm thu hồi theo quy định.
Theo khoản 3 Điều 7 Nghị định 160/2007 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 29/2016) quy định nghiêm cấm cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân sản xuất, làm giả, tàng trữ, đổi, mua, bán, sử dụng trái phép Cờ truyền thống, Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, trang phục CAND. Trường hợp vi phạm thì tùy tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Về xử phạt hành chính: Những cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về quản lý, sử dụng trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh CAND hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng CAND sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 20 Nghị định 144/2021.
Theo đó, phạt tiền từ 500.000 – 1.500.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh CAND hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng CAND.
Phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với hành vi mua, bán hoặc đổi trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh CAND hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng CAND.
Phạt tiền từ 10 – 30 triệu đồng đối với hành vi sản xuất trái phép hoặc làm giả trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh CAND hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng CAND.
Ngoài ra, khi phạm tội còn bị xử phạt các hình thức bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính. Đồng thời, phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Về xử lý hình sự : Trong trường hợp sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu CAND với số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn, đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu, xử lý trách nhiệm hình sự theo Điều 190 về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; Điều 191 về tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm và Điều 192 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả của BLHS 2015 với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 15 năm tù.
Đối với các cá nhân, tổ chức sử dụng trái phép Cờ truyền thống, Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, trang phục CAND để giả danh công an nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị truy cứu, xử lý trách nhiệm hình sự theo Điều 174 của BLHS 2015 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Bên cạnh đó, khi làm giả, sử dụng giấy chứng minh CAND hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng CAND thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn có thể bị truy cứu, xử lý trách nhiệm hình sự theo Điều 341 của BLHS 2015 về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Cách thức nhận diện công an giả
Để nhận diện các đối tượng giả danh công an, Bộ Công an chỉ ra một số cách để người dân vận dụng như sau:
Cách thứ nhất, quan sát về mặt hình thức bên ngoài: Đây là cách đơn giản nhất để phát hiện các đối tượng giả danh công an, cụ thể các đối tượng giả danh công an tiến hành các hoạt động tuần tra, kiểm soát, liên hệ thực hiện các hoạt động tố tụng hình sự thường sử dụng trang phục không đồng bộ, không đúng quy định, công cụ hỗ trợ, số hiệu, giấy tờ của ngành công an không đúng quy định.
Trong trường hợp này, người dân chỉ cần quan sát thái độ, cách thể hiện, tư thế, lễ tiết, tác phong, cử chỉ có thể phân biệt được họ là công an thật hay giả. Đối tượng giả danh công an luôn cố tình để lộ một phần trang phục, khoe công cụ hỗ trợ như khóa số 8, dùi cui, súng… cố tình để người khác thấy giấy chứng minh CAND hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng CAND.
Nếu chưa có cơ sở xác định họ giả danh công an, còn nghi ngờ, cần kết hợp với các cách thức khác để kiểm tra. Tuy nhiên, cần chú ý đề cao cảnh giác, chỉ nghe họ nói, không làm theo họ.
Cách thứ hai, gợi mở để đối tượng nói thật nhiều về lĩnh vực công tác công an: Nếu nghi ngờ một người giả danh công an cần phải khéo léo gợi mở để họ nói về lĩnh vực công tác của mình càng nhiều càng tốt vì càng nói nhiều đối tượng càng bộc lộ sơ hở.
Có thể hỏi đối tượng những thông tin cơ bản như trước đây học trường nào, ở đâu? Điều kiện tuyển dụng vào ngành Công an thế nào? Đơn vị hiện tại địa chỉ ở đâu, lãnh đạo đơn vị là ai? Chức vụ, nhiệm vụ cụ thể hiện nay là gì?…
Nếu nghi ngờ, có thể tạo lý do hợp lý để chụp ảnh đối tượng, ghi âm lời nói của đối tượng để làm bằng chứng đối chiếu hoặc tố giác với cơ quan công an. Sau khi tiếp nhận thông tin từ đối tượng, tốt nhất không nên làm theo yêu cầu của đối tượng, khéo léo từ chối, đồng thời phân tích, đánh giá thông tin để xác định đối tượng có phải là người giả danh công an hay không.
Cách thứ ba, phân tích, tổng hợp, đánh giá: Cần phân tích các thông tin cơ bản mà đối tượng đã nói, đã kể, rút ra những thông tin đúng, thông tin sai sẽ đánh giá được đối tượng nói thật hay nói dối, có phải giả danh công an hay không.
Nếu không đủ khả năng đánh giá, có thể tổng hợp thông tin sau đó nhờ người thân am hiểu về lĩnh vực công an, những người đang công tác trong ngành công an hoặc cảnh sát khu vực phụ trách địa bàn nơi người dân cư trú, trực ban đơn vị công an nơi gần nhất phân tích, đánh giá, không nên vội tin đối tượng, làm theo lời của đối tượng.
Cách thứ tư, đối chiếu, kiểm tra: Trong trường hợp đã đánh giá nhưng chưa đủ cơ sở xác định đối tượng là người giả danh công an hay không, cần thực hiện bước đối chiếu, kiểm tra. Từ việc phân tích, tổng hợp thông tin do đối tượng cung cấp, kết quả quan sát, đánh giá, tư vấn của người trong ngành công an… có thể dùng để đối chiếu, kiểm tra xác định đối tượng có hành vi giả danh công an.
Như vậy, để nhận biết đối tượng giả danh công an, tránh bị các đối tượng này lừa đảo, người dân cần phải tìm hiểu những thủ đoạn phổ biến của loại đối tượng này, nâng cao cảnh giác, không vội tin đối tượng, vận dụng đồng bộ một số cách nhận biết, kiểm tra, đánh giá để xác định và có cách xử lý hiệu quả nhất.
HUỲNH THƠ
Nguồn PLO: https://plo.vn/bo-cong-an-chi-cach-nhan-dien-cac-doi-tuong-gia-danh-cong-an-post794841.html