Bộ Chính trị yêu cầu thực hiện chủ trương ‘lương nhà giáo cao nhất’

Bộ Chính trị yêu cầu thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

Bộ Chính trị vừa ban hành kết luận số 91-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4.11.2013 của BCH T.Ư Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Kết luận do Thường trực Ban Bí thư Lương Cường ký ngày 12.8.2024.

Bộ Chính trị yêu cầu thực hiện chủ trương lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp. TUỆ NGUYỄN

Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị – xã hội tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 29, Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết khác của Đảng về GD-ĐT; đồng thời tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ cụ thể mà Bộ Chính trị đặt ra trong thời gian tới tại kết luận trên.

Một trong những nhiệm vụ đó là các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu địa phương, đơn vị tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và thực hiện đầy đủ, sâu sắc quan điểm coi GD-ĐT là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân; bảo đảm vai trò chủ đạo của Nhà nước, đồng thời thu hút sự tham gia tích cực của xã hội trong phát triển sự nghiệp GD-ĐT.

Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về GD-ĐT, tháo gỡ những điểm nghẽn, trong đó, cần sớm xây dựng luật về nhà giáo, luật về học tập suốt đời, chiến lược phát triển giáo dục và các quy định về đổi mới công tác quản lý giáo dục và đào tạo, quản trị nhà trường theo hướng khoa học, hiện đại, đồng bộ, liên thông, phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế và thực tiễn ở nước ta.

Tăng quyền tự chủ, nâng cao trách nhiệm giải trình, phát huy dân chủ trong các cơ sở GD-ĐT; hoàn thiện chính sách, cơ chế tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học phù hợp với xu thế chung của thế giới. Thực hiện việc bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch hội đồng trường, hội đồng đại học công lập; đồng thời, làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ giữa chủ tịch hội đồng trường với hiệu trưởng để có quy định phù hợp với thực tiễn, có tính đến đặc thù của các trường thuộc khối công an, quân đội.

Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chính trị, tư tưởng cho học sinh, sinh viên…

Đổi mới mạnh mẽ cơ chế tuyển dụng, sử dụng đội ngũ trong ngành giáo dục

Về vấn đề đội ngũ, Bộ Chính trị yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phát triển, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; bảo đảm đủ số lượng giáo viên theo định mức quy định; nghiên cứu cơ chế, chính sách điều động, luân chuyển giáo viên giữa các địa phương để giải quyết căn bản tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và nâng cao chất lượng giáo dục cho các vùng khó khăn.

Đổi mới quản lý nhà nước đối với nhà giáo một cách đồng bộ, gắn với quản lý chuyên môn và chất lượng. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng, đãi ngộ và trọng dụng nhân tài làm việc trong ngành giáo dục.

“Thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng. Phát huy dân chủ, tôn trọng tự do sáng tạo, chuyên môn học thuật, đề cao đạo đức, trách nhiệm của nhà giáo”, kết luận của Bộ Chính trị nêu.

Đảm bảo ngân sách chi cho GD-ĐT tối thiểu 20%

Ngoài ra, Bộ Chính trị cũng yêu cầu tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính cho phát triển GD-ĐT; bảo đảm ngân sách nhà nước cho GD-ĐT tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước như Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đề ra. Đồng thời, kịp thời điều chỉnh tổng mức chi ngân sách nhà nước cho GD-ĐT phù hợp với tăng trưởng của nền kinh tế.

Nhà nước bảo đảm kinh phí cho giáo dục bắt buộc, giáo dục phổ cập, miễn học phí cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi và thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm trong lĩnh vực giáo dục; ưu tiên đầu tư cho giáo dục, đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo…

Hoàn thiện cơ chế, chính sách đầu tư cho GD-ĐT trên tinh thần Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, huy động sự tham gia hiệu quả của toàn xã hội vào sự nghiệp GD-ĐT; nghiên cứu cơ chế phân bố nguồn lực, chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ giáo dục theo kết quả đầu ra.

Bộ Chính trị còn đặt ra nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực GD-ĐT, bảo đảm cạnh tranh công bằng, minh bạch; có cơ chế, chính sách mạnh mẽ thúc đẩy, khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập, nhất là các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng nhằm huy động các nguồn lực đầu tư cho GD-ĐT; tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế tự chủ tài chính đối với các cơ sở GD-ĐT công lập.

Hoàn thiện chính sách hỗ trợ người học từ ngân sách nhà nước thông qua cấp học bổng hoặc hỗ trợ miễn giảm học phí đối với các ngành, nghề cần ưu tiên phát triển ở các trình độ đào tạo, mở rộng đối tượng và nâng mức ưu đãi cho vay tín dụng.

 Tuệ Nguyễn

Nguồn Thanh Niên: https://thanhnien.vn/bo-chinh-tri-yeu-cau-thuc-hien-chu-truong-luong-nha-giao-cao-nhat-185240814191542288.htm

XEM THÊM