Biến chủng ‘tồi tệ nhất’ vừa xuất hiện ở TP.HCM có độc lực, lây lan ra sao?

Ngày 4/1, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM công bố kết quả tầm soát biến chủng nCoV ở 526 bệnh nhân Covid, ghi nhận xuất hiện XBB của Omicron được xem là chủng “tồi tệ nhất’.

Ngày 4/1, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM công bố kết quả tầm soát biến chủng SARS-CoV-2 trong 6 tháng cuối năm 2022 trên địa bàn thành phố.

Đáng chú ý, kết quả ban đầu tầm soát biến chủng SARS-CoV-2 của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) ghi nhận sự xuất hiện của biến chủng phụ XBB của Omicron vào tháng 12/2022, nhưng ở tỉ lệ thấp, chiếm 5,7%.

XBB là chủng phụ thế hệ tiếp theo của chủng BA.2 Omicron, còn gọi là BA.2.10, xuất hiện từ việc tái tổ hợp của các biến chủng phụ BA.2.10.1 và BA.2.75.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận biến chủng XBB. Trên thế giới, các nhà khoa học phát hiện chủng này vào tháng 8/2022 và sau 4 tháng đã được phát hiện ở ít nhất 70 quốc gia và đã gây ra làn sóng lây nhiễm ở một số khu vực của Châu Á, bao gồm cả Ấn Độ và Singapore, vào tháng 10.

Người dân khám bệnh tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (cơ sở 1) – Ảnh: XUÂN MAI

Vậy biến chủng phụ XBB của Omicron có độc lực và khả năng lây lan như thế nào, nếu nhiễm chúng thì mức độ bệnh nặng ra sao?

Các nhà khoa học trên thế giới nhận định XBB là biến chủng phụ Omicron “tồi tệ nhất cho đến nay”, bởi đặc tính lây lan nhanh hơn bất kỳ biến chủng phụ nào, trốn tránh được miễn dịch từ vaccine, nhiễm bệnh tự nhiên và các liệu pháp kháng thể đơn dòng. Hiện chưa có nghiên cứu sâu về độc lực, tỷ lệ nhập viện và tử vong của biến chủng mới này.

Tiến sĩ Michael Osterholm, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota, Mỹ, trả lời Reuters hôm 31/12/2022: “Có lẽ biến chủng tồi tệ nhất mà thế giới đang phải đối mặt hiện nay là XBB”.

Cũng theo Reuters, XBB khiến số ca nhiễm tăng gấp 4 lần chỉ sau một tháng ở một số quốc gia. Tỷ lệ lây nhiễm XBB.1.5 tại Mỹ đã tăng từ 22% lên 40% trong vòng một tuần, thủ phạm của khoảng 75% ca nhiễm ở vùng Đông Bắc nước này. Biến chủng sở hữu các đột biến như F486P, giúp nó vượt qua các kháng thể chống Covid-19 tạo ra từ tiêm chủng hoặc nhiễm bệnh tự nhiên.

Theo PGS Đỗ Văn Dũng – trưởng khoa y tế công cộng Trường đại học Y Dược TP.HCM, các nghiên cứu ban đầu cho thấy biến chủng này không làm tăng độc lực của vi rút nhưng có khả năng lẩn tránh miễn dịch một phần. Vì vậy các biến chủng này làm tăng nguy cơ tái nhiễm COVID-19 ở người đã từng nhiễm với các biến chủng COVID-19 cũ (nhưng có lẽ không gia tăng nguy cơ tái nhiễm ở người đã bị nhiễm các chủng Omicron).

Một điều giúp chúng ta có thể yên tâm là các vaccine COVID-19 hiện có vẫn có bảo vệ không bị chuyển nặng hay tử vong ở các bệnh nhân bị nhiễm biến chủng XBB. Dù các biến chủng XBB có hiện tượng lẩn tránh miễn dịch nhưng khả năng xâm nhập vào tế bào bị kém hơn nên khả năng lây lan của biến chủng XBB bị giảm hơn so với các biến chủng Omicron khác.

Biên Thùy (Nguoiduatin.vn)

XEM THÊM