Bị cấm xuất cảnh mới biết mình là… giám đốc doanh nghiệp

Theo cơ quan Hải quan, hiện tình trạng người dân bị các đối tượng lấy cắp thông tin cá nhân để lập doanh nghiệp với mục đích bất chính xảy ra khá nhiều. Không ít người khi nhận được thông báo tạm hoãn xuất cảnh mới tá hỏa phát hiện mình là giám đốc doanh nghiệp.

Bỗng dưng làm giám đốc

Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Chi cục Hải quan Quản lý hàng đầu tư – Cục Hải quan TPHCM cho biết, tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật của doanh nghiệp là biện pháp thu hồi nợ thuế hiệu quả nhất hiện nay.

Theo vị này, trên thực tế có nhiều doanh nghiệp chây ì đóng thuế kéo dài, khi cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp như trích tiền tài khoản, kê biên tài sản, ngừng sử dụng hóa đơn, tạm dừng làm thủ tục xuất nhập khẩu… đều không hiệu quả. Tuy nhiên, khi áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất nhập cảnh đối với giám đốc hoặc người đại diện pháp luật của doanh nghiệp, hiệu quả ngay lập tức, nhất là với những khoản nợ thuế khó đòi hoặc áp dụng với doanh nghiệp nước ngoài.

Đáng nói, trong số chủ doanh nghiệp chây ỳ nợ thuế bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh hiện có những trường hợp rất trớ trêu. Nhiều người dân khi được cơ quan chức năng gửi thông báo tạm hoãn xuất cảnh mới phát hiện mình được phong làm giám đốc doanh nghiệp từ bao giờ không biết.

Nhiều trường hợp đang bị đối tượng xấu lấy cắp thông tin cá nhân để lập doanh nghiệp, khi xuất cảnh mới phát hiện nợ thuế (ảnh minh họa).

Mới đây, trường hợp của chị Đ.G.L. (đang là sinh viên), khi chuẩn bị xuất cảnh sang Úc thì nhận được thông báo tạm dừng xuất cảnh. Qua làm việc với hải quan, chị L. mới biết mình đang được phong làm đại diện pháp luật cho Công ty TNHH Thương mại Gepher Bagaman. Công ty này được cấp phép thành lập vào 9/3/2022 hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu gỗ ván lạng và đang nợ thuế gần 1 tỷ đồng.

Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 – Cục Hải quan TPHCM cũng cho biết, vừa tiếp nhận đơn phản ánh của ông Đ.V.K. về việc dù không lập doanh nghiệp nào nhưng ông vẫn có trong danh sách là giám đốc một doanh nghiệp nợ thuế.

Theo đó, ông K. đang đứng tên là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Thương mại Annewcaps (địa chỉ số 21/8 Phan Huy Ích, quận Gò Vấp, TPHCM). Theo hồ sơ, công ty này đang nợ thuế hàng trăm triệu đồng quá thời gian quy định. Sau khi cơ quan hải quan gửi thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với ông K. mới giật mình và tìm đến chi cục phản ánh về việc bị giả mạo giấy tờ.

Theo đại diện Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, với những trường hợp bỗng nhiên được hô biến thành giám đốc doanh nghiệp như trên, hải quan sẽ phối hợp với công an, thuế, lực lượng chức năng vào cuộc xác minh. Nếu cơ quan chức năng xác định trường hợp bị giả mạo thông tin, cá nhân đó sẽ được gỡ đề xuất tạm dừng nhập cảnh, đồng thời cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm đối với người người giả mạo để lập hồ sơ doanh nghiệp.

Theo Cục Hải quan TPHCM, những doanh nghiệp nợ thuế kéo dài, hoạt động bất thường chỉ hoạt động trong thời gian ngắn thường có khả năng lấy thông tin người khác để đứng tên đại diện pháp luật doanh nghiệp. Trong số 4.800 doanh nghiệp nợ thuế tại cục, hiện có hơn 1.800 doanh nghiệp không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh hoặc ngưng hoạt động với hơn 1.300 tỷ đồng tiền nợ. Số nợ của các doanh nghiệp bỏ trốn này chiếm phần lớn số nợ khó thu của Cục Hải quan TPHCM.

Cần làm gì khi bị giả mạo?

Trao đổi với PV Tiền Phong, Luật sư Nguyễn Thanh Hải – Giám đốc Công ty Luật TNHH An Hoàng Gia, Đoàn Luật sư TP Hà Nội – cho rằng, khi người dân phát hiện thông tin cá nhân của mình bị lợi dụng, mạo danh để thành lập doanh nghiệp cần thông báo ngay tới phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính đề nghị đơn vị này thực hiện kiểm tra, giám sát doanh nghiệp, đồng thời yêu cầu thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Cùng với đó, người dân cần gửi văn bản thông báo tới cơ quan thuế yêu cầu thực hiện biện pháp pháp lý cần thiết để chấm dứt hoạt động của mã số thuế đã đăng ký theo giấy tờ cá nhân của mình.

Luật sư Hải cho biết, trong trường hợp hành vi giả mạo khiến cá nhân, người bị giả mạo không thể xuất cảnh dẫn tới thiệt hại về vật chất, tinh thần… Đối tượng được xác định làm giả mạo hồ sơ sẽ phải chịu trách nhiệm xử lý hậu quả, bằng cách bồi thường tổn thất tương xứng với mức thiệt hại thực tế.

Theo luật sư, đối với tổ chức, cá nhân sử dụng trái phép thông tin, giấy tờ của người khác để thành lập doanh nghiệp sẽ bị xử lý vi phạm hành chính từ 20-30 triệu đồng, cùng với việc bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo Nghị định 122/2021.

Trường hợp tổ chức, cá nhân có hành vi mạo danh thông tin cá nhân của cá nhân khác, thành lập doanh nghiệp nhằm mục đích bất hợp pháp như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng chiếm đoạt tài sản, trốn thuế…sẽ bị truy cứu về hành vi tương ứng theo quy định của Bộ luật hình sự.

Dương Hưng

https://tienphong.vn/bi-cam-xuat-canh-moi-biet-minh-la-giam-doc-doanh-nghiep-post1642862.tpo

XEM THÊM